Mình vừa tốt nghiệp đại học, bắt đầu ra trường đời để độc lập cuộc sống. Cũng sợ hãi, hoang mang khi cầm tấm bằng đại học và một lô chứng chỉ đi xin việc, kết quả là “ở đây cần người ít nhất có 2 năm kinh nghiệm em nhé”, giống hệt như nhân vật trong bài viết “Tân cử nhân thất nghiệp vì cái vòng “xin việc – kinh nghiệm” luẩn quẩn”.Ừ thì sau khi vét nốt hơn trăm bạc cho một chầu bia cỏ say mèm với mấy đứa bạn đồng cảnh ngộ, đổ tội đủ thứ cho cuộc đời không như ý muốn: nhà mặt ngõ, bố lại về hưu…thì cuối cùng mình cũng chấp nhận xin đi thực tập ở một công ty đang có nhu cầu tuyển dụng tân cử nhân thất nghiệp.
Xác định luôn từ đầu là thực tập không lương và mình vào đây là để lấy kinh nghiệm rồi sau đó sẽ nhảy sang nơi khác làm, có cái lý lịch dày dặn mà ghi vào CV. Thế nhưng, sau khi vào thực tập không lương tại công ty, mình mới thấy cuộc đời dù tạm gọi là có việc làm nhưng xem ra còn thê thảm hơn là khi mang áo sinh viên nghèo vượt khó học giỏi.
Ngẫm lại, mấy năm học đại học tuy vất vả, nhưng dù sao bố mẹ vẫn cố gắng tằn tiện, chắt chiu nuôi mình ăn học nên mình vẫn có thể sống ổn mà không phải mệt mỏi vì cơm áo gạo tiền như bây giờ. Ngày ấy, đi học thì có học bổng, tiền cơm thì bố mẹ cho, cũng chạy bàn, trông xe, làm gia sư kiếm thêm, rồi ở kí túc…nhìn chung cuộc sống sinh viên nghèo nhưng chưa bao giờ kinh tế là thứ khiến mình phải lo lắng.
Giờ thì khác. Học xong rồi, bạn bè ở quê chúng nó có chỗ bố mẹ lo cho hết, ổn định luôn, cầm cái bằng về là có lương. Còn mình, gia cảnh nghèo, bố mẹ về hưu, bố thương binh hay đau ốm, nhà còn hai em ăn học, làm sao mà mình dám mở mồm bảo bố mẹ chạy việc cho? Thân là con trai 22 tuổi rồi, đầy đứa ở quê mình tay không tấc sắt, trình độ không có, chỉ có cái nghề cắt tóc, đánh giày…thế mà giờ nó thành ông chủ ở thành phố lớn, còn mua được nhà, lấy vợ đàng hoàng. Còn mình, mang tiếng sinh viên, dân trí thức, tốt nghiệp bắng suýt giỏi, chẳng lẽ không bằng tụi nó? Giờ về quê thì cũng biết xin việc ở đâu khi mà các cơ quan tỉnh đều có ghế con cha cháu ông hết cả. Vậy nên, mình không có đường lùi. Chỉ một con đường là tiến lên và “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” thôi!
Tóm lại là mình phải đi thực tập đã. Dù thế nào cái mà nhà tuyển dụng họ cần vẫn là kinh nghiệm. Thế là mình cũng mang cái mác đi làm, cũng hùng hục sáng sớm đến chấm công, đi sớm về muộn, làm đủ thứ việc mà leader giao phó, cố gắng làm tốt, tốt hơn nữa để được một lời khen “cậu khá lắm!” và kết quả là không lương.
Nhiều khi, mình thấy chất xám của mình bị ăn cắp một cách trắng trợn mà chỉ biết ngậm đắng cay vào lòng vì chỉ là một đứa cử nhân đi thực tập. Hôm ấy xem trên mạng thấy có một câu chuyện khá hay và có thể chuyển thể thành clip để làm truyền thông, mình nói chuyện về leader về ý tưởng và ngay lập tức chị ta bắt mình làm một bản kế hoạch và vẽ cả fomat rồi đường hoàng trình lên sếp lớn và nhận là của mình. Sếp lớn tán dương và đưa ý tưởng của mình vào sản xuất, còn mình thì như một đứa vô can trong chuyện này. Đắng lắm nhưng vẫn phải nuốt vào lòng, có nói xa gần để chị ta hiểu nhưng chị ta vẫn “ăn bánh bơ, đội mũ phớt!”. Thật hết biết!
Đi làm về, tối lại lọ mọ đi làm thêm ở quán cháo đêm, 3h sáng mới về đến nhà trọ thì bọn bạn đã ngủ say sưa. Tắm rửa qua loa rồi ngủ đến 7h là phải dậy để lại tiếp tục bài ca thực tập không lương.
Gần 1 năm nay rồi, mình cứ sống như thế. Không dám có bạn gái vì không lo được cho người ta, hạn chế nhậu nhẹt hay hội họp bạn bè vì tiền không có, mọi thứ xung quanh thì mơ hồ, chẳng có gì là rõ nét. Tuổi 22 – Hậu đại học, những ước mơ quá tầm tay và những vỡ mộng khi bước vào trường đời. Ừ! Không sao! Vẫn dặn lòng mình là nhiều người còn khổ hơn mình, ít ra mình vẫn có thể lao động cả chân tay lẫn đầu óc và không phụ thuộc vào bố mẹ nữa. Dù cho cái ước mơ báo hiếu bố mẹ vẫn còn nguyên đó, nhưng nhiều khi nước mắt vẫn phải nuốt ngược vì tài cán chưa đủ để dụng võ, để làm ra tiền lo cho bản thân thì nói gì đến chuyện lo cho bố mẹ, cho hai em ăn học.
Thế nhưng, ước mơ là phải có. Nếu không, chắc chắn mình sẽ chẳng có động lực mà bước qua cái giai đoạn bi kịch này. Vẫn phải không ngừng nhắc nhở mình, cuộc đời giống như một hình Sin, lúc này mình đang ở dưới điểm đáy rồi, và từ từ mình sẽ học cách đi lên, và viết đời mình sang một trang mới. Còn bây giờ, mình sẽ “tận hưởng” cái bi kịch này, như bao tân cử nhân khác, mà có khi họ còn bi thảm hơn mình!
Huy Du
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.