Lại đến Tết! “Đám” nhân viên quèn chúng tôi lại vừa nhận được “lệnh quyên góp” để “mừng năm mới” cho sếp như thường lệ. Lương thì 3 cọc 3 đồng, thế nhưng tiền “mừng” Tết cho sếp mỗi người phải góp cả triệu bạc. Ai nấy nhăn nhó khổ sở, than vãn mỏi miệng, riêng tôi… chả ý kiến gì, lý do là vì tôi thấy sếp mình thật… đáng thương! Thực lòng mà nói, tôi hơn một lần thấy thương hại sếp, bởi lẽ không biết cả cuộc đời sếp có nhận được quả ngọt nào từ những gì mà bà ấy gieo không!
Sếp tôi vốn không phải là người có chuyên môn, nếu không muốn nói thẳng là bà ấy… dốt! Học hành lèm nhèm, đại học tại chức rồi thạc sĩ chuyên tu. Tất nhiên, tôi không hề có ý chê tất cả những người học theo hệ đào tạo không chính quy, bởi vì trên thực tế cũng có rất nhiều người rất giỏi. Có điều, bà trưởng phòng tôi là ví dụ điển hình cho câu nói “tại chức thì ngu, chuyên tu thì dốt”. Bà ấy kém cỏi trong cả cách nói và cách nghĩ, thế nhưng lại rất giỏi bợ đỡ, xu nịnh và chịu khó “làm luật” với sếp trên, thành ra nhanh chóng được lên chức trưởng phòng. Nói thẳng ra, cái chức trưởng phòng là thứ chúng tôi chẳng ai thèm “hám”, bởi vì nghề nghiệp chúng tôi tính theo doanh số và chất lượng thực tế, làm nhiều hưởng nhiều, nếu có chút chức vụ cũng chỉ gọi là thêm phụ cấp thôi, chứ đa số bọn tôi đều “đánh lẻ” ở ngoài mới có cái mà ăn. Chỗ tiền phụ cấp ấy, chúng tôi tranh thủ cố thêm ngoài giờ đã gấp được mấy lần, nên mặc kệ.
Thế nhưng, từ khi chính thức lên trưởng phòng, sếp càng lúc càng bộc lộ cái tính nết điển hình của một con ếch ngồi đáy giếng, hám danh, sĩ rởm, thích khoe khoang. Và đặc biệt, mỗi lần nghe bà ta xu nịnh cấp trên, đe nẹt cấp dưới thì thật là… sặc sụa, nổi da gà!
Ông sếp trên cũng vốn là người “cùng một giuộc” với bà ta, nên quý bà ra mặt. Ông coi bà như một thứ rada “dò sóng”, xem xét tỉ mỉ từng câu nói, từng cái nhíu mày của lũ “cắc ké kỳ nhông” chúng tôi, xem có đứa nào có tư duy “làm phản” hay không. Thì chẳng là ông ấy làm ăn cũng không được “minh bạch” cho lắm, đã thế tư cách lại cũng chẳng được đàng hoàng nên bị đám nhân viên ghét ra mặt. Mối quan hệ cấp trên với cấp dưới không đủ uy tín để duy trì thì đành trấn áp bằng uy quyền chứ sao. Vậy là “sếp lớn” mạnh tay, ưu ái “sếp nhỏ” thêm chút bổng lộc, thêm tí “lợi nhuận”. Và vì “vớ bở” nên bà ta – sếp trưởng của tôi cười nhăn cười nhở. Rồi cứ mỗi dịp cuối năm, Tết nhất lễ lạt lại hô hào chúng tôi bỏ nửa tháng lương ra “làm luật” với sếp trên, gọi là “cảm ơn” ông ta, mà chính chúng tôi cũng chả hiểu, ông ta có ơn huệ gì với chúng tôi không….
Có điều, không phủ nhận, thực lòng tôi cũng luôn thấy thương hại bà trưởng phòng của mình. Nhìn người đàn bà đáng tuổi mẹ mình ngày đêm lao tâm khổ tứ nghĩ cách lấy lòng ông sếp vừa tham lam, vừa khó ưa. Đó là sự thật! Chưa thấy ai xấu tính như vậy, xấu tính đến mức ông ta có cái gì chúng tôi cũng phải khen, không khen là ông ghi sổ thù vặt, lúc họp hành ông “đì” cho tơi tả. Rồi ông lại mê gái đẹp, chị em phụ nữ ai lỡ ăn mặc “lơi lơi” một chút là bị ông “cho vào tầm ngắm”, ông nhắn tin gợi ý, ông gọi điện ỡm ờ,… dù nhiều lần không chỉ bị từ chối thẳng thừng mà còn bị “đốp” ngay vào mặt. Nói thật, vì chúng tôi chẳng sợ vì đâu có làm gì sai. Chỉ có bà trưởng phòng là “hứng chịu”. Nghe đâu đợt này ông ta đang bắt bà ấy phải đi tìm đúng loại vải kaki thật mềm và mịn để may đúng chiếc mũ bêrê như ông thấy trên ảnh của một chính trị gia. Khổ nỗi, “order” chính hãng thì nhiều tiền quá, mà ông chỉ muốn “ăn không”, nên ông cứ gợi ý bà trưởng phòng, không may được thì cũng cố mà may chứ ông không có tiền để mua (tức là ông muốn xúi bà trưởng phòng tôi phải tự bỏ ra gần chục triệu đồng). Chưa hết, ông hễ than nắng nóng là phải mua ngay trà atiso, loại cao cấp và có hóa đơn chứng minh gửi từ Đà Lạt ra vì ông sợ hàng Tàu. Ông than khô da là phải có ngay loại kem dưỡng dành cho nam giới, xoa lên mịn màng ấm áp nhưng không bóng dầu. Nói thực, mấy chuyện ấy có kể ra đây thì chị em có mà cười đứt ruột cả ngày. Ấy thế mà bà trưởng phòng của tôi phải cố gắng đáp ứng cho bằng hết! Cả ngày chỉ chăm chăm sao cho sếp lớn không phật ý, không nổi giận, kẻo bao nhiêu bổng lộc sẽ chẳng “rót” vào túi của bà nữa.
Chăm sóc cấp trên như vậy, nhưng điều đáng buồn là chuyện con cái, sếp tôi lại bỏ bê. Bà ấy có cô con gái lớn chừng 18 tuổi, nhưng hư hỏng và ăn chơi nổi tiếng. Con bé nhất định đòi tiền đi phẫu thuật thẩm mỹ và ngày càng “leo thang” trong mức độ ăn chơi. Bà ấy đến cơ quan, cứ nghe điện thoại của con gái gọi đến là lấm lét như rắn mùng năm, vì xấu hổ. Tôi biết, một người mẹ có tư duy hạn hẹp và xu nịnh như vậy, không có thời gian gần gũi thì con gái hư là đúng. Ngay cả chồng bà ta cũng chẳng chịu nổi người vợ “háo danh, sĩ diện, tiêu tiền điên đảo và ít học” như bà ta, nên đã làm đơn ly hôn và nghe nói sắp cưới một cô vợ mới.
Tôi kể ra câu chuyện này không phải để “kiếm chuyện làm quà”, hay thỏa mãn thói ngồi lê đôi mách. Tôi chỉ muốn chia sẻ rằng, chúng ta có nên thả mồi bắt bóng quá mức để mất đi những điều hiện thực đáng quý trong cuộc đời này không!
Linh Nguyệt
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.