Tiền Giang ứng dụng san phẳng đồng ruộng bằng tia laser

Tiền Giang ứng dụng san phẳng đồng ruộng bằng tia laser

Trong vụ Hè Thu sớm năm 2014, tỉnh Tiền Giang hỗ trợ ba tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp của các xã Bình Nhì, Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây) và Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo) trang bị ba máy san phẳng đồng ruộng bằng tia laser với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng.

>>> An Giang ứng dụng ảnh viễn thám vào sản xuất lúa

Trong số này, riêng hệ thống san phẳng đồng ruộng bằng tia laser có giá khoảng 300 triệu đồng/máy, còn lại là máy kéo có công suất từ 60 Hp trở lên/máy.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, hệ thống máy san phẳng đồng ruộng bằng tia laser gọn nhẹ, chỉ gồm cụm gàu san, bộ phận phát tia laser, bộ phận thu tín hiệu và hệ thống điều khiển thủy lực gắn trên máy kéo (loại máy hoạt động phổ biến tại đồng ruộng phía Nam).

Tiền Giang ứng dụng san phẳng đồng ruộng bằng tia laser
Công nghệ san phẳng đồng ruộng bằng tia laser. (Nguồn: iasvn.org)

Khi vận hành hệ thống này, tia laser được phát bởi bộ phát tín hiệu laser tạo thành mặt chuẩn laser cố định song song với mặt phẳng nằm ngang. Bộ nhận tín hiệu laser lắp cố định trên cụm gàu san. Hệ thống thủy lực gồm hộp xử lý tín hiệu nhận được và xilanh thủy lực giúp điều khiển nâng hạ gàu san.

Khi vận hành, gàu san sẽ tự động nâng lên hoặc hạ xuống so với mặt chuẩn khi hệ thống làm việc trên điểm tương ứng là điểm cao hoặc điểm thấp của mặt ruộng.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang khuyến cáo, để thực hiện việc san phẳng mặt ruộng bằng tia laser thuận lợi, đồng ruộng cần phải đốt hết rơm rạ, cày xới đất, phơi khô đất trước khi san phẳng từ 2-3 ngày.

Kết quả khảo sát cho thấy san phẳng đồng ruộng bằng tia laser chi phí sản xuất bình quân giảm từ 2-2,5 triệu đồng/ha/vụ nhờ năng suất lúa tăng, tiết kiệm chi phí bơm tưới, dễ kiểm soát cỏ dại, giảm được lượng giống và nhân công, hạn chế sâu bệnh, chủ động quản lý tốt đồng ruộng trong quá trình canh tác cũng như thu hoạch…

Với chi phí san phẳng từ 3-4,2 triệu đồng/ha tùy thực tế, sau 2-3 vụ sản xuất, chủ ruộng hoàn lại vốn thuê máy san phẳng bằng tia laser và sau chu kỳ ba năm (6-9 vụ sản xuất) mới phải san phẳng lần hai. Nhờ vậy, lợi nhuận từ trồng lúa tăng lên.

Do là cụm máy san phẳng đồng ruộng bằng tia laser lần đầu tiên đưa vào hoạt động trên đồng ruộng nên Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật, tổ chức điểm làm trình diễn cũng như tăng cường tuyên truyền, giới thiệu để nông dân hiểu lợi ích của việc đưa kỹ thuật tiến tiến vào sản xuất.

 

Theo Vietnam+