Tiền sản giật – “cơn ác mộng” của các mẹ bầu

Tiền sản giật –

Mẹ đừng nghĩ rằng sau khi que thử thai hiện lên hai vạch là chắc chắn sẽ có được con yêu nhé. Trong khoảng 280 ngày mang thai, mẹ bầu và thai nhi có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng mà không ai lường trước được. Thông thường, hầu hết thai phụ đều trải qua quá trình mang thai, sinh nở bình thường, suôn sẻ, tuy vậy vẫn có khoảng 1/500 chị em sẽ gặp 1 số biến chứng ảnh hưởng đến mẹ hoặc bé trong suốt kỳ thai nghén.

Những biến cố này chẳng ai mong muốn tuy nhiên mẹ bầu cần biết để kịp thời phát hiện, điều trị nếu chẳng may gặp phải. Các dấu hiệu cảnh báo, mức độ rủi ro của những biến chứng này sẽ giúp chị em nhanh nhạy phản ứng, nhờ đó giữ gìn sức khỏe và thậm chí là an toàn tính mạng cho cả 2 mẹ con.

Tiền sản giật được coi là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất thai kỳ, xuất hiện từ giữa tam cá nguyệt thứ 2 với tần suất khoảng 5-8% thai kì. Tiền sản giật có thể phát triển sớm hơn ở trường hợp nặng hoặc có thể chỉ là vấn đề nhỏ trong cả thai kì, thậm chí có khi chỉ xuất hiện sau khi sinh.

Tiền sản giật thường gặp ở phụ nữ sinh con đầu lòng. Một số nghiên cứu cho thấy tần suất gặp lên đến 10% nhưng dù gì thì đây cũng là vấn đề sản khoa nghiêm trọng trong thai kì. Do đó, các bà mẹ mang thai nên khám thai định kì để theo dõi có bị tiền sản giật không. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể trở thành sản giật gây nhiều biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và bé.

Tiền sản giật, sản giật là gì?

Bình thường, thai nhi phát triển trong tử cung (TC) của người mẹ nhờ sự nuôi dưỡng bởi bánh nhau. Cơ quan bánh nhau có vai trò rất quan trọng, với chức năng chính trao đổi các chất dinh dưỡng từ máu của mẹ sang thai nhi. Để đảm bảo vai trò này, trong bánh nhau có các gai nhau cắm sâu vào niêm mạc TC của người mẹ để lấy nguồn cung cấp máu có oxy đến, đồng thời cũng trả lại máu có CO2. Chính điều đó, khi gai nhau tiếp xúc với người mẹ – đây là yếu tố so với cơ thể người mẹ là yếu tố lạ nếu có kèm các vấn đề như: bệnh lý về mạch máu, yếu tố di truyền có sẵn trong gen của người mẹ sẽ gây ra hiện tượng giảm sự tưới máu từ TC đến nhau.

Tiền sản giật –

Từ đây hàng loạt các yếu tố bất lợi khác xuất hiện như: rối loạn các chất vận mạch gồm: Prostaglandin, Nitric Oxide và Endothelins. Các chất độc hại cũng xuất hiện: Cytokines, Lipid Peroxidase. Hậu quả sau cùng gây ra tăng huyết áp, thấm mao mạch gây phù và tiểu đạm. Một khi không được can thiệp diễn tiến ngày càng nặng dần, biểu hiện: cô đặc máu, giảm tiểu cầu, thiểu niệu, co giật.

Những dấu hiệu chính

Được gọi là tiền sản giật nặng: khi huyết áp tối thiểu >110mmHg. Đạm niệu > 3g/l, thiểu niệu < 100ml/4 giờ, kèm theo nhức đầu, mờ mắt, đau vùng thượng vị, phù phổi cấp, suy tim. Siêu âm thai thấy thai chậm tăng trưởng trong TC, xét nghiệm chức năng gan giảm, biểu hiện: men gan tăng cao, tiểu cầu giảm, creatinin máu tăng cao.Vào tuần lễ thứ 20 của thai kỳ, huyết áp người mẹ đột ngột tăng cao, huyết áp tối đa > 140mmHg và huyết áp tối thiểu > 90mmHg. Biểu hiện toàn thân phù, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu có đạm niệu > 0,3g/l.

Sản giật: các dấu hiệu của tiền sản giật nặng đi kèm cơn co giật. Ngoài ra, trong thời gian liên quan đến thai kỳ có cơn co giật phải có bằng chứng liên quan trước đó mới có thể thay đổi việc chẩn đoán sản giật.

Cơn co giật được mô tả: bắt đầu rung rung ở mặt, một vài giây sau đó co cứng toàn thân do co cơ toàn thân, giai đoạn này kéo dài trong 15 – 20 giây, bất ngờ hàm mở ra và khép lại rất mạnh và ngay sau đó mí mắt cũng vậy. Các cơ mặt và tất cả các cơ khác thay phiên nhau giãn rất nhanh. Người mẹ có thể té xuống giường, có thể cắn lưỡi do cử động của hàm, giai đoạn co giãn cơ có thể kéo dài trong 1 phút. Dần dần các cử động cơ yếu dần và cuối cùng người mẹ bất động. Có thể ngưng thở trong vài giây sau đó thở sâu và hôn mê. Người mẹ sẽ không nhớ đến cơn co giật và các sự kiện trước và sau cơn giật.

Nguy cơ dẫn đến tiền sản giật

– Mang đa thai.

– Mang thai con đầu lòng.

– Bà bầu lớn tuổi (hơn 40 tuổi).

– Có tiền sử tăng huyết áp trước đó (tăng huyết áp vô căn).

– Bị đái tháo đường hoặc bệnh lý thận trước đó.

– Thai kì trước đây bị tiền sản giật.

– Tiền sản giật có vẻ liên quan đến di truyền và có tiền sử gia đình.

– Bà bầu thiếu dinh dưỡng.

– Bệnh lý răng miệng cũng được cho là có liên quan.

– Thừa cân hoặc béo phì trong thai kì.

Biến chứng

Diễn tiến của tiền sản giật là đi vào sản giật, đây là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tử vong mẹ và con. Biến chứng Hội chứng HELL bao gồm tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu lan tỏa, phù phổi cấp, nhau bong non, suy thận cấp, xuất huyết não…

Tiền sản giật –

Điều trị tiền sản giật và sản giật

Biện pháp điều trị tiền sản giật triệt để và hữu hiệu nhất là chấm dứt thai kỳ sao cho có lợi nhất về mẹ và con.

Trường hợp tiền sản giật nhẹ, thai non tháng, người mẹ có điều kiện, có kiến thức có thể tự theo dõi. Tái khám mỗi tuần 1 lần. Tại bệnh viện làm các xét nghiệm, huyết đồ, chức năng gan, chức năng thận, xét nghiệm đông máu toàn bộ, nhóm máu và tổng phân tích nước tiểu. Đo monitoring sản khoa, và siêu âm thai Doppler, hướng dẫn theo dõi cử động thai máy.

Tại nhà đo huyết áp ngày 2 lần sáng – chiều, ghi nhớ lại các thông số đo được, theo dõi cân nặng, thai máy, nằm nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc.

Hướng dẫn các dấu hiệu nặng: nhức đầu, hoa mắt, nhìn mờ, tăng cân nhanh, đau vùng thượng vị, thai máy yếu. Huyết áp tăng cao, tiểu ít, nước tiểu đậm màu. Khi có một trong các dấu hiệu trên phải tái khám ngay.

Phòng ngừa tiền sản giật – sản giật

Tiền sản giật – sản giật là bệnh thường gặp với tần suất từ 5 – 8% thai kỳ. Nguyên nhân của tiền sản giật hiện chưa được hiểu rõ. Vì vậy, công tác dự phòng luôn ở thế thụ động. Biện pháp tốt nhất hiện nay là quản lý thai kỳ chặt chẽ, qua đó cần sự thông tin đầy đủ về tiền căn bản thân của người mẹ và điều trị tốt các bệnh lý đi kèm nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý mạch máu, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống và dinh dưỡng đầy đủ trong khi mang thai. Phát hiện sớm khi có sự thay đổi về huyết áp và bất thường khi có sự xuất hiện đạm trong nước tiểu, để có kế hoạch điều trị ngay từ đầu.

(Theo CNGD)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.