Âm thanh tưởng chừng vô hại phát ra từ tàu thủy có thể gián tiếp gây ra cái chết cho cá voi và nhiều động vật biển khác.
Ô nhiễm tiếng ồn gây ra nhiều cái chết cho động vật biển
Cách đây vài năm, Michel Andre chăm chú quan sát xác một con cá nhà táng trên bờ biển thuộc quần đảo Canary, Tây Ban Nha, và tự hỏi lý do khiến con vật va vào tàu thủy. Sau khi nghiên cứu những con cá voi sống trong khu vực và đo độ gia tăng ô nhiễm tiếng ồn từ tàu thủy, Andre phát hiện ra mối liên hệ.
Cá voi bị âm thanh tàu thủy làm cho tê liệt và thường chết do va vào tàu. (Ảnh: Thinkstock).
Những con cá voi trở nên tê liệt trước tiếng ồn của tàu thủy đang đến gần và thường chết do va vào tàu. “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ điều này có thể gây ra cái chết của nhiều động vật”, BBC dẫn lời Andre, người chỉ đạo Phòng thí nghiệm Âm sinh học Ứng dụng tại Đại học Kỹ thuật Catalonia, Barcelona, Tây Ban Nha.
Andre đã dành 20 năm phát triển một hệ thống tiên tiến chuyên nghe âm thanh dưới mặt biển để hiểu rõ hơn tại sao những tai nạn xảy ra. Tai nghe dưới nước của Andre cho thấy một thế giới âm thanh và giao tiếp động vật chưa bao giờ được ghi nhận trước đây.
Thiết bị nghe tinh vi do Andre tạo ra để phát hiện âm thanh trong lòng đại dương mang tên “đôi tai thông minh”. Nó không chỉ nhận biết âm thanh của cá voi, cá heo và các sinh vật khác, mà còn át đi tiếng vo vo của tàu thuyền, chân vịt và nhiều loại máy móc.
Andre lắng nghe âm thanh dưới mặt biển bằng thiết bị “đôi tai thông minh”. (Ảnh: Michel Andre).
Nhóm nghiên cứu của Andre không chỉ lắng nghe âm thanh dưới mặt biển, họ còn tìm hiểu tác hại ở mặt sinh lý do tiếng ồn gây ra đối với động vật. Sau khi lấy mẫu mô từ tai những con cá voi mắc cạn, họ phát hiện bằng chứng về mối nguy hại ở tế bào của giác quan, giúp giải thích lý do các sinh vật biển mất khả năng phát hiện tiếng ồn tàu thủy.
“Nếu có một số cấu trúc bị khuyết ở những tế bào, điều đó có nghĩa con vật không thể mã hóa âm thanh tương ứng với tế bào đó”, Andre giải thích. Âm thanh cá voi và các sinh vật biển phải đương đầu rất phong phú, từ tiếng động tàu thủy đến tiếng nổ.
Christopher Willes Clark, một nhà âm sinh học tại Đại học Cornell, Mỹ, cho biết tiếng tàu thủy dễ dàng át đi âm thanh bài hát của cá voi và loài vật cũng phải chịu những vụ nổ gây điếc do hoạt động thăm dò dầu khí dưới biển.
Tàu thủy có thể phát ra những âm thanh chói tai. (Ảnh: Thinkstock).
Một giải pháp trước tình trạng ô nhiễm tiếng ồn là chuyển hướng lộ trình tàu thủy đến nơi ít có khả năng đụng độ các động vật biển có vú. Việc yêu cầu các tàu giảm tốc độ xuống dưới 18 km/h cũng giúp hạ thấp nguy cơ gây chết cho cá voi.
Để giải quyết tận gốc vấn đề, Cơ quan Hải dương Quốc tế của Liên Hợp Quốc đã đưa ra hướng dẫn về cách giảm âm thanh tàu thủy. Tuy nhiên, việc quan sát tác động từ những thay đổi đòi hỏi nhiều thời gian cũng như cần sự hợp tác của các doanh nghiệp và người điều khiển tàu.
Theo VnExpress