Mỹ và Châu đã được chấp thuận bảo lãnh định cư và lên đường sang Canada từ ngày 20.2.2016.
Trước khi đi, hai người đã gửi cho Trung tâm ICS, Viện iSEE (hai tổ chức về người đồng tính, song tính, chuyển giới “LGBT” tại Việt Nam) bộ hồ sơ bảo lãnh định cư nộp cho Cơ quan Di trú Canada, trong đó có lá thư cứu xét kể lại chi tiết về câu chuyện tình yêu cảm động của họ.
Trong lá thư Kim Mỹ kể lại “Tôi tên là Mỹ, năm nay 47 tuổi, hiện đang sống với người mẹ 92 tuổi ở Canada. Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo khó với 12 anh chị em. Ba mẹ tôi bán cháo huyết để kiếm tiền nuôi sống cả gia đình. Châu cũng sinh ra ở Sài Gòn, kém tôi 2 tuổi, ở cách nhà tôi khoảng chục căn trong con hẻm nhỏ ở phường Cô Giang, Quận 1. Nhà Châu nghèo, mẹ bán hủ tíu, bánh canh kiếm sống. Năm 1983, từ tình bạn thân thiết đặc biệt, tôi và Châu đã cảm nhận rõ về tình yêu mà hai người dành cho nhau.
Khi mối quan hệ trở nên sâu đậm thì cũng là lúc tôi phải cùng gia đình định cư sang Canada vào tháng 10.1984. Châu phải ở lại một mình. Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng, khoảng cách dần xóa nhà, thậm chí chúng tôi sẽ quên luôn tình cảm cùng giới này. Nhưng…chúng tôi không thể quên. Và khi hai cuộc đời bị xẻ đôi, nỗi buồn càng khắc sâu hơn, cũng là lúc tôi và Châu nhận ra một điều, mỗi người đã là một phần của nhau, không thể thiếu nhau.
Từ năm 1985 tới 1989, chúng tôi liên lạc với nhau qua thư viết tay và gửi qua đường bưu điện. Từ năm 1999 tới năm 2001, khi có điện thoại, chúng tôi vẫn viết thư tay và điện thoại khoảng 24-60 lần mỗi năm. Mỗi lần nói chuyện 30-40 phút. Từ năm 2002 tới 2004, chúng tôi ít viết thư hơn mà gọi điện nhiều hơn, mỗi lần cũng nói từ 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi mà vẫn chưa hết chuyện. Từ năm 2005, chúng tôi gọi điện cho nhau mỗi ngày. Mỗi ngày chừng 2-3 tiếng đồng hồ. Tôi và Châu cùng tính rằng, hai đứa tốn quá nhiều tiền đến nỗi, chỉ cần thêm một chút tiền tiết kiệm của tôi là có thể…mua được nhà và xe. Trong khi đó, ở Canada, tôi vẫn phải ở nhà thuê và đi lại bằng xe bus. Tôi nghĩ ra cách mua máy ghi âm, thâu lại tâm sự hàng ngày rồi gửi về Việt Nam cho Châu nghe. Mỗi tối, Châu đều phải nghe ít nhất một băng mới ngủ yên được.
Thời gian xa cách, dưới sức ép gia đình, chúng tôi đều đã từng cố làm vui lòng cha mẹ bằng cách làm quen với đàn ông. Nhưng con tim thì luôn khổ sở. Thẳm sâu những lời nói yêu thương đều dẫn tới kỷ niệm giữa tôi và Châu. Châu và tôi bị giằng xé giữa tình yêu của đời mình và bổn phận làm con phải tôn trọng và báo hiếu mẹ. Cuối cùng chúng tôi quyết định nói cho gia đình biết. Tôi may mắn không gặp khó khăn gì vì mẹ tôi là người khá thoải mái, bà cũng sống ở Canada lâu năm.
Còn Châu, không dễ dàng gì. Vào năm 2006, khi em thừa nhận với mẹ rằng chúng tôi yêu nhau đã 23 năm nay. Mẹ của em bị sốc, hoảng sợ, tuyệt vọng, đau khổ, giận dữ và kiên quyết phản đối. Rồi tất cả chuyển hóa thành sự tức giận, bà đổ lên đầu Châu. Mẹ em tuyên bố rằng, em và tôi không phải là con người. Rằng chúng tôi bị thần kinh, đồi bại, vô đạo đức. Rằng Châu đang hại bà chết dần chết mòn trong đau khổ. Bà đóng sầm cửa, đập đồ ầm ĩ lên bàn ăn, kéo lê các vật dụng trong nhà, khiến Châu bị tra tấn tinh thần.
Mẹ Châu đã không nhận ra rằng, chính việc bà cố chấp phản đối chuyện tình cảm của chúng tôi đã hành hạ cả bà lẫn Châu. Châu đã rất đau lòng khi phải chứng kiến mẹ mình khóc. Châu nói rằng, tôi là cuộc sống của em, là tất cả của em, nhưng tình cảm của em dành cho mẹ cũng hết sức to lớn và quan trọng. Em chỉ biết khẩn cầu Chư Phật và hy vọng rằng, thời gian sẽ làm dịu nỗi đau của mẹ và chấp nhận chúng tôi trong tương lai. Tôi đồng ý sẽ chờ Châu thực hiện tâm nguyện của mình là chăm sóc cho mẹ cho đến khi mẹ em qua đời. Vì vậy, ý định bảo lãnh cho Châu tới Canada của tôi phải tạm dừng từ tháng 6 năm 2006.
Vào tháng 5 năm 2008, tôi biết được rằng, Châu bị trầm cảm rất nặng và có ý định tự sát, tôi đã rất lo lắng. Tôi không còn quan tâm đến hậu quả nữa. Tôi nói với Châu, tôi không muốn chờ thêm nữa, xin hãy để tôi quay về gặp em (vì làm sao chúng tôi biết được đến khi nào mẹ em mới hết tức giận). Vì thế, tôi về gặp Châu vào dịp Giáng Sinh năm 2008. Vừa gặp nhau, chúng tôi vỡ òa, hôn nhau, trong lúc nước mắt cứ tuôn trên má.
Sau đó, tôi tới nhà để gặp mẹ Châu, xin bà tha thứ và thuyết phục bà chấp nhận tình yêu của hai chúng tôi. Bà yêu cầu tôi phải tuyệt đối giữ bí mật kể cả mẹ của tôi, nếu không bà chỉ có nước chui xuống đất mà sống. Tôi đã đồng ý để làm bà vui lòng. Từ đó, mỗi dịp Tết, tôi lại về thăm Châu. Châu vẫn chịu đựng sự phản đối từ mẹ. Mẹ em nói bà thật sự sai lầm khi cho tôi ở trong cái nhà này. Thực tế là càng thấy chúng tôi hạnh phúc, tự do, bà lại càng cảm thấy mệt mỏi.
Tháng Sáu năm 2010, Châu lại có ý định tự tử, nhưng sau đó em bình tĩnh lại và nói với mẹ của em rằng: “Má, nếu việc con ở trong nhà này vẫn còn khiến má buồn bực và nhục nhã, ảnh hưởng đến sức khỏe của Má, nếu Má muốn con ra khỏi nhà để bớt tức giận và thấy thanh thản hơn, thì con sẽ chấp nhận ra khỏi nhà. Còn không, Má chỉ cần tha thứ cho con, chấp nhận con và đừng đối xử với con như vậy nữa, vì con sắp không thể chịu đựng nổi nữa rồi.” Sau cuộc nói chuyện đó, Châu cảm thấy tình cảm hai mẹ con dần dần cải thiện hơn.
Năm 2012, mẹ em thường phải nhập viện do sức khỏe suy giảm. Thời gian đó, Châu chỉ tập trung vào việc chăm sóc cho mẹ. Cho tới hơi thở cuối cùng của bà, Châu vẫn chưa biết được liệu mẹ mình có tha thứ cho em và có hoàn toàn chấp nhận tình yêu của chúng tôi hay không. Dẫu sao, với chúng tôi thì sự thừa nhận của mẹ em vẫn rất quan trọng. Sau đó, tôi công khai với tất cả các thành viên khác trong gia đình về dự định tổ chức đám cưới với Châu. Hầu hết đều ủng hộ, chúc phúc cho tôi. Ngày cưới, anh chị em của tôi từ khắp nơi trên thế giới bay về Việt Nam dự lễ cưới. Tôi thấy mình rất may mắn. Giờ đây, Châu và tôi đã sẵn sàng và tôi cần đưa em sang Canada để có cuộc sống gần bên nhau. Đây không chỉ là khởi đầu cuộc sống mới với Châu, mà còn với cả tôi. Một cuộc sống tự do và bình đẳng”.
Về phần Tuệ Châu, chị chia sẻ: “Vấn đề lớn nhất của tôi là sự chấp thuận từ mẹ tôi khi bà còn sống. Nhưng tình yêu của tôi Kim Mỹ vẫn âm thầm lớn dần hơn, cho tới khi tôi nhận ra mình sẽ giữ tình yêu này cả khi đi qua cái chết. Tôi đã chờ đợi quá lâu để bước ra ánh sáng, vì bổn phận với gia đình đã giữ chân tôi lại…Quyết định công khai đã mang tới nghị lực và tự hào cho tôi. Việc chia cách hai bờ đại dương trong hơn ba thập kỷ khiến tôi mỏi mòn và không thể chịu đựng thêm nữa. Tôi mong ước mơ của mình thành sự thật, xây dựng một mái ấm cùng với Kim Mỹ của tôi ở Canada, cùng già đi, cùng sống cuộc đời hạnh phúc mãi về sau”.
Nói về chuyện tình cảm động 33 năm của Kim Mỹ và Tuệ Châu, anh Huỳnh Minh Thảo – phụ trách Truyền thông của Trung tâm ICS – cho biết: “Chúng tôi biết về câu chuyện của 2 chị Kim Mỹ và Tuệ Châu từ cách đây khoảng 3-4 năm, khi phong trào vận động quyền hôn nhân bình đẳng cho người đồng tính dâng cao tại Việt Nam. Khi đó, chị Mỹ đang sống tại Canada và chị Châu sống tại TPHCM đã chủ động liên lạc với chúng tôi và muốn góp sức cho cuộc vận động này. Cũng trong cơ duyên đó, chúng tôi biết được câu chuyện tình yêu của 2 chị vô cùng tha thiết và xúc động. Thậm chí, đến mãi năm 2015, chuyện tình của 2 chị vẫn cách trở, mỗi người mỗi nơi phương trời, yêu nhau qua những dòng thư, tin nhắn, cuộc gọi… Ấy vậy mà đã 33 năm kể từ ngày 2 chị quen biết và đem lòng cảm mến nhau. 33 năm là 1 phần 3 đời người, là một khoảng thời gian kéo dài từ thời còn viết thư tay, cho đến lúc có những phương tiện hiện đại hơn là điện thoại, rồi tới internet. 33 năm đó, bao nhiêu vui buồn, 2 chị chắc hẳn đều đã nếm trải và trân quý từng giây phút…”.
Nguồn: Theo Lao động
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.