Tiêu chảy mùa lạnh cẩn thận mất nước nghiêm trọng

Tiêu chảy mùa lạnh cẩn thận mất nước nghiêm trọng
Mùa thu đông không chỉ có các căn bệnh về hô hấp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà bệnh tiêu chảy cũng là điều mà phụ huynh cần lưu tâm. Chị Thu Trà (Phương Liệt, Hà Nội) vẫn nhớ như in cảm giác hoảng hồn khi con gái bị mất nước nghiêm trọng hồi năm ngoái.
Theo lời chị Trà kể lại, khi gió mùa tràn về, con gái của chị xuất hiện triệu chứng hơi đầy bụng, đi ngoài 2-3 ngày. Sau đó, bé còn kèm cả triệu chứng hâm hấp sốt, bỏ ăn, quấy khóc. Nhưng khi chị Trà nhìn ở lợi có thấy hơi sưng, bản thân chị và chồng đinh ninh nguyên nhân do mọc răng.
“Con đi ngoài với phân lỏng nhiều hơn và liên tục khiến bé lả đi. Ngoài ra, tôi thấy dịch nhầy, màu vàng chanh ở phân nên mới đưa bé đi bệnh viện. Đến bệnh viện, bác sĩ chỉ định truyền nước gấp vì bị mất nước do tiêu chảy kéo dài”, chị Trà nhớ lại. 
Tiêu chảy mùa lạnh cẩn thận mất nước nghiêm trọng

Tiêu chảy do rotavirus rất dễ gặp vào những ngày chuyển lạnh.

Khi trời chuyển lạnh, rotavirus thường gây tiêu chảy ở trẻ. Nhiều phụ huynh không cảnh giác nên chỉ nghĩ do con bị ốm hay quấy khóc. Triệu chứng của tiêu chảy do rotavirus bao gồm, sốt nhẹ, tiêu chảy, ăn hay uống sữa bị nôn, trẻ mệt mỏi, đi ngoài phân lỏng với màu phân vàng chanh, kèm dịch nhầy. Ngoài màu vàng chanh, cũng có khi phân màu tím như hoa cà hoặc màu vàng tươi như hoa cải. 
Để phòng rotavirus, cần thực hiện vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh và chế biến thức ăn cho trẻ hay khi thay tã. Ngoài ra, có 2 loại vắc xin giúp phòng rotavirus là Rotarix và Rotateq.
Rotavirus nằm trong phân của người bị bệnh trước khi phát bệnh khoảng 2 ngày. Thậm chí, khi bắt đầu khỏi, chúng vẫn tồn tại trong phân khoảng hơn 1 tuần – 10 ngày. Trong các giai đoạn trước và sau khi bệnh khởi phát đều tiềm ẩn nguy cơ lây lan cho người khác nếu công tác vệ sinh không được thực hiện kỹ.
Một số phụ huynh thường chủ quan, chỉ nghĩ đó là do bé bị đầy bụng. Không ít người chỉ chữa trị qua loa như dùng lá ổi xanh, lá nhọ nồi hay uống các loại thuốc như Becberin, Biseptol. Về bản chất các loại lá trên đều chứa chất Tanin giúp giảm đi ngoài nhưng virus bên trong đường ruột vẫn tồn tại, thải độc kém nên sẽ có thể dẫn đến bệnh nặng, nghiêm trọng hơn.

Dùng oresol bù nước cũng cần lưu ý

Điều nguy hiểm nhất khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước, mất điện giải nghiêm trọng có thể dẫn đến chết người. Thậm chí, một số phụ huynh chỉ lo bù dinh dưỡng trước mà quên đi việc quan trọng nhất là phải bù nước, điện giải.
Bác sĩ Nhi khoa Diễm Huyền cho hay, không có gì hiệu quả nhất là dùng oresol để bù nước. Thành phần chính trong oresol bao gồm muối đường. Nếu pha không theo tỷ lệ khuyến cáo mà pha cả gói sẽ làm cho bé uống vào như uống nước muối, lúc đó càng cảm thấy khát hơn khi chưa uống. Nếu bố mẹ lại tiếp tục cho trẻ uống dung dịch đặc đó tức là đã thêm nhiều muối vào cơ thể, tế bào bị hút nước nên bé bị da khô, mắt trũng, co giật, sốt cao.
“Có những phụ huynh pha cả gói rồi chia ra từng lần hay tự ý chia nhỏ không theo quy chuẩn càng dễ khiến trẻ mất nước thêm. Thông thường 1 gói oresol pha với 200ml nước, có người pha ít hơn mức này cực kỳ nguy hiểm”, bác sĩ nhấn mạnh.
Về chế độ dinh dưỡng cho trẻ khi trẻ đã có cảm giác thèm ăn. Bổ sung đủ dinh dưỡng, trong đó cần lưu ý tránh những loại rau cung cấp nhiều chất xơ như hạt ngũ cốc, củ quả. Bởi đường ruột sau khi bị tiêu chảy sẽ mất một thời gian để phục hồi, nếu ăn các loại củ này sẽ làm cho đường ruột phải làm việc quá sức.
Còn với trẻ đang bú cần cho trẻ bú sữa nhiều hơn và kéo dài hơn. Trẻ không bú mẹ thì bổ sung thêm dịch như oresol. súp gà, nước cháo và nước cơm có muối. Không cho trẻ uống đồ uống có gas, trà, nước ngọt. Cho bé uống bổ sung kẽm sớm ngay khi tiêu chảy bắt đầu. Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 10mg/ngày trong vòng 10-14 ngày. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: 20mg/ngày, trong vòng 10-14 ngày. Nên cho trẻ uống kẽm lúc đói.
Phương LInh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.