Tác giả: Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng, M.A., S.T.D
Nguyên tác Anh Ngữ
DẪN NHẬP
Từ nhiều thế kỷ nay các nhà khoa học đã biết rằng một số loài vật có thể tái tạo các bộ phận đã mất trên cơ thể chúng. Con người chúng ta cũng có chung đặc điểm này, giống như loài sao biển. Mặc dù cơ thể chúng ta không thể tái tạo cả một cẳng chân hay ngón tay bị mất, nhưng tế bào máu, tế bào da hay các tế bào khác vẫn thường xuyên được tái sinh trong cơ thể của chúng ta. Những tế bào “toàn năng” giúp chúng ta tái tạo mô, lần đầu tiên được phát hiện trong quá trình tiến hành thí nghiệm với tủy xương, vào những năm 1950 đã dẫn đến phát hiện về sự tồn tại của TẾ BÀO GỐC1 trong cơ thể; từ đó phát triển kỹ thuật cấy ghép tủy xương hiện đang được ứng dụng rộng rãi trong y học. Khám phá về tế bào gốc đã thắp sáng hy vọng về tiềm năng y học của kỹ thuật tái sinh. Lần đầu tiên trong lịch sử, các bác sĩ có thể tái tạo mô bị hủy hoại nhờ một nguồn cung cấp mới mẻ những tế bào khỏe mạnh bằng cách áp dụng khả năng độc nhất vô nhị của tế bào gốc nhằm tạo ra nhiều loại tế bào khác biệt trong cơ thể.
Khi các nhà khoa học nhận ra được tiềm năng y học của kỹ thuật tái tạo thông qua thành tựu cấy ghép tủy xương, họ đã tiếp tục quá trình tìm kiếm những tế bào tương tự trong phôi. Những nghiên cứu ban đầu về quá trình phát triển của con người đã chứng minh được rằng tế bào của phôi có khả năng sản sinh ra mọi loại tế bào trong cơ thể.
How it works from Embryo to Stem cell: Cách thức tạo tế bào gốc từ phôi |
Từ những năm 1980, các nhà khoa học đã tách chiết thành công tế bào gốc phôi của chuột. Nhưng chỉ đến năm 1998, một nhóm các nhà khoa học thuộc đại học Winsconsin tại Madison dưới sự chỉ đạo của giáo sư James Thomson lần đầu tiên đã thành công tách biệt tế bào gốc phôi người. Họ biết họ đã tách được tế bào gốc, là vì những tế bào đó không biệt hóa trong khoảng thời gian dài; chúng cũng vẫn giữ nguyên khả năng có thể biến đổi thành nhiều loại tế bào chuyên biệt trong đó có tế bào cơ, tế bào ruột, tế bào thần kinh và tế bào sụn.
Nhà sinh học kiêm giáo sư ngành giải phẫu học, Prof. James Thomson đã ngưng làm việc với chiếc laptop computer trong văn phòng tại đại học Wisconsin – Madison. Ông đã chỉ đạo nhóm nghiên cứu và tuyên bố tách thành công dòng tế bào phôi của một loài động vật linh trưởng vào năm 1995. Khởi đầu này đã đem đến thành tựu lần đầu tiên tách được dòng tế bào gốc phôi người vào năm 1998. |
The Promise of Stem Cell Research: Triển vọng của nghiên cứu tế bào gốc |
Và thế là nghiên cứu tế bào gốc được nhiều nhà khoa học đeo đuổi với hy vọng đạt được những bước đột phá lớn trong y học. Họ luôn nỗ lực để tìm tòi những liệu pháp khôi phục hoặc thay thế các tế bào tổn thương nhờ những tế bào tạo ra từ tế bào gốc; đồng thời mang hy vọng đến cho những người đang phải chịu đựng căn bệnh ung thư, tiểu đường, các bệnh tim mạch, chấn thương cột sống cũng như các chứng rối loạn khác. Cả tế bào gốc phôi và tế bào gốc trưởng thành đều là những cơ sở để các nhà khoa học phát triển những phương thức mới, có giá trị nhằm sản xuất dược phẩm và xét nghiệm.
The Promise of Stem Cell Research: Triển vọng của nghiên cứu tế bào gốc |
Tế bào gốc cũng là công cụ hữu hiệu giúp tiến hành các nghiên cứu sinh học cơ sở, nhằm có được những hiểu biết sâu sắc hơn về cơ thể người. Nhờ vào các chuyên gia khoa học, bác sĩ, các chuyên gia đạo đức sinh học và những người khác nữa, cả Chính phủ cùng với Giáo hội đã nghiên cứu tiềm năng của kỹ thuật tế bào gốc trong y học, đồng thời lập nên một diễn đàn thảo luận ý nghĩa đạo đức cũng như những vướng mắc về mặt đạo đức trong việc nghiên cứu tế bào gốc.
Chú thích:
1. Thuật ngữ “tế bào gốc” chỉ tất cả những tế bào chưa biệt hóa có khả năng phân chia thành bất cứ loại tế bào nào. Tế bào gốc sản sinh ra một cặp tế bào con (daughter cells), trong đó một tế bào sẽ phát triển để biệt hóa, tế bào còn lại phát triển thành tế bào gốc mới thay thế tế bào gốc ban đầu. Thuật ngữ “gốc” chỉ ra rằng những tế bào này là nguồn gốc của các tế bào chuyên biệt khác. Trong cơ thể có rất nhiều tế bào gốc ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Ví dụ, tất cả các tế bào não đều được tạo ra từ một nhóm tế bào thần kinh gốc. Mỗi một tế bào thần kinh gốc lại sinh ra một tế bào não và một bản sao của chính nó trong mỗi lần phân chia. Những tế bào gốc đầu tiên là những tế bào được sinh ra trong lần phân chia thứ nhất của trứng đã thụ tinh được gọi là tế bào gốc phôi, nhằm phân biệt chúng với các nhóm tế bào hình thành sau ở các mô cụ thể (như tế bào thần kinh gốc). Những tế bào gốc phôi (trong giai đoạn đầu tiên) phát triển thành tất cả các loại mô trong cơ thể, vì thế chúng được đặt cho cái tên “tế bào toàn năng” có thể tạo ra mọi loại tế bào.
Trà Mi chuyển ngữ
Hoàn chỉnh bản dịch Trần Mạnh Hùng
Copyright©2008 by Trần Mạnh Hùng
—Phần 2—Phần 3—Phần 4—Phần 5—Phần 6—
GIỚI THIỆU VÀI NÉT VỀ
Tiến Sĩ Trần Mạnh Hùng, MA., STD
Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng sinh tại Việt Nam. Sau biến cố 1975 đã vượt biên và được định cư tại nước Úc vào năm 1982 với tư cách là người tỵ nạn. Sau khi định cư tại Úc, anh theo học ngành Thần Học tại Học Viện Yarra Theological Union và tốt nghiệp Cử Nhân Thần Học vào năm 1992, do Melbourne College of Divinity cấp.
Sau đó, anh tiếp tục chọn luận án cao học về đề tài An Tử và đã tốt nghiệp Cao Học Thần Học vào năm 1998, tại Đại Học Công Giáo, Notre Dame, thành phố Fremantle, tiểu bang Tây Úc.
Tiến sĩ Thần Học Luân Lý vào năm 2003, tại Học Viện thánh Anphongsô (Alphonsian Academy), trực thuộc Đại Học Giáo Hoàng Lateranô, Rôma.
Trong khoảng thời gian 8 năm vừa qua, Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng đã viết và cho ấn loát một số bài khảo cứu liên quan đến lãnh vực Đạo Đức Sinh Học, chẳng hạn như: Khởi Điểm Sự Sống Con Người, Mầm Phôi, Ngừa Thai và Phá Thai, cũng như một số các bài viết khác về việc Thụ Tinh Trong Ống Nghiệm, Kỹ thuật mới về Vấn Đề Sinh Sản.
Gần đây nhất, Tiến Sĩ Hùng đã cho phổ biến một số các bài nghiên cứu liên quan đến lãnh vực Tế Bào Gốc và việc sử dụng Tế Bào Gốc trong Y khoa Trị liệu. Đồng thời, Tiến sĩ cũng bàn đến các khám phá mới về sự kiện các chuyên gia khoa học ngày nay, cụ thể là tại Mỹ và Nhật, đã có thể tái tạo tế bào da thành tế bào gốc mà không cần sử dụng đến phương pháp chuyển nhân để nhân bản vô tính các phôi, hầu có thể thu hoạch tế bào gốc phôi cho việc nghiên cứu.
Tiến sĩ Hùng cũng đã viết và cho xuất bản tại Việt Nam ba cuốn sách về lãnh vực Thần Học Luân Lý và Đạo Đức Sinh Học, bao gồm cuốn Đạo Đức Sinh Học và Những Thách Đố Hiện Nay (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2003). Riêng tại Úc, luận án tiến sĩ của ngài đã được nhà xuất bản Freedom Publishing Company có trụ sở tại Thành phố Melbourne, thuộc Tiểu bang Victoria đã in thành sách với tựa đề: Advancing The Culture of Death: Euthanasia and Physician Assisted Suicide (Melbourne: Freedom Publishing Company, 2006).
Hiện nay, Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng đang làm việc tại Trung Tâm Đạo Đức Sinh Học thuộc Tiểu bang Tây Úc (L.J. Goody Bioethics Centre in WA) và ngài cũng được mời để dạy học tại Đại học Notre Dame Australia (NDA) – tại Thành phố Fremantle, Western Australia.
Đồng thời, Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng, hiện nay đang là thành viên của Ủy Ban Đạo Đức Y Tế tại hai Bệnh viện thuộc tiểu bang Tây Úc, đó là St. John of God tại Subiaco và Mercy Hospital tại Mount Lawley.
Theo (Còn nữa)