Các đợt bùng phát sóng vô tuyến vũ trụ cực nhanh và vô cùng hiếm gặp mang tên chớp sóng nhanh vẫn là một trong số những bí ẩn lớn nhất của vật lý thiên văn.
Các nhà nghiên cứu ở Viện thiên văn học vô tuyến Hà Lan lần đầu tiên phát hiện chớp sóng nhanh FRB 150215 năm 2015 và họ vẫn đang tìm hiểu nguồn gốc của nó.
“Chúng tôi dành nhiều thời gian sử dụng nhiều kính viễn vọng để tìm kiếm bất cứ thứ gì gắn liền với nó. Chúng tôi có nhiều manh mối về bước sóng mới chưa từng biết tới trước đây. Chúng tôi vẫn đang cố gắng phán đoán chớp sóng này đến từ đâu”, Gizmodo hôm qua dẫn lời Emily Petroff, người đứng đầu nhóm nghiên cứu.
FRB 150215 khiến các nhà khoa học bối rối vì không thể xác định nguồn phát tín hiệu. (Ảnh: Tumblr).
Chớp sóng nhanh (FRB) là những đợt phát sóng vô tuyến diễn ra chóng vánh và ngẫu nhiên, khiến chúng không chỉ khó tìm kiếm mà cả khó nghiên cứu. Bí ẩn bắt nguồn từ thực tế các nhà nghiên cứu không rõ điều gì sản sinh ra loại sóng vô tuyến ngắn và rõ như vậy. Một số giả định đi từ va chạm giữa các vì sao đến thông điệp do người ngoài hành tinh gửi tới Trái Đất.
Dù đã tìm thấy 22 FRB, các nhà thiên văn tin chắc con số có thể lên tới 2.000 FRB phát ra trong vũ trụ mỗi ngày. Trong khi giới nghiên cứu có thể sử dụng kính viễn vọng để xác định nguồn gốc chắc chắn sinh ra tín hiệu, FRB 150215 là trường hợp đặc biệt bởi nó không để lại dấu vết nào dù có thể quan sát qua vài kính viễn vọng.
“Chớp sóng được theo dõi bởi 11 kính viễn vọng chuyên tìm kiếm nguồn phát vô tuyến, quang học, X quang, tia gamma và neutrino. Nhưng nó không gắn liền với bất kỳ nguồn phát nào và không có nhịp lặp lại nào được ghi nhận trong 17,25 giờ quan sát”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Càng bí ẩn hơn nữa là về mặt lý thuyết, FRB 150215 không thể được phát hiện từ Trái Đất nếu xét theo hướng không gian mà tín hiệu bắt nguồn. Nó phải truyền qua một khu vực cực dày đặc trong dải Ngân Hà để tới Trái Đất. Từ trường của ngân hà đáng lẽ đã thay đổi hướng di chuyển của ánh sáng phát ra từ chớp sóng vô tuyến nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
“Có thể tín hiệu đi qua một loại lỗ nào đó trong dải Ngân Hà, khiến nó dễ được phát hiện hơn so với những cuộc tìm kiếm thông thường”, Petroff suy đoán.
Theo VnExpress