Tin vào địa ngục khiến chúng ta kém hạnh phúc hơn

Tin vào địa ngục khiến chúng ta kém hạnh phúc hơn

Lửa, lưu huỳnh, sự đày ải mãi mãi – địa ngục không phải là một khái niệm dễ chịu. Tuy nhiên, các nghiên cứu từng chỉ ra đức tin về sự trừng phạt siêu nhiên mang lại nhiều lợi ích xã hội, bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn và tỷ lệ tội phạm ít hơn tại các nước đang phát triển. Nhưng, điều gì cũng có hai mặt.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy niềm tin vào địa ngục, thậm chí chỉ là suy nghĩ về nó cũng làm giảm cảm giác hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống.

Trong một nghiên cứu mới được công bố tháng 1 vừa rồi trên tạp chí Plos One, phó giáo sư tâm lý Azim Shariff của đại học Oregon và đồng nghiệp đã khảo sát các số liệu để xem xét liệu niềm tin vào thiên đường và địa ngục có ảnh hưởng tới trạng thái cảm xúc thường ngày cũng như sự hài lòng trong cuộc sống hay không.

Không phải tất cả mọi người đều đồng thời tin vào cả thiên đường và địa ngục, do đó nghiên cứu chỉ tập trung vào những người chỉ tin vào một trong hai điều.

Các số liệu thu thập được từ 63 quốc gia cho thấy nếu người ta tin vào thiên đường nhiều hơn địa ngục, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hơn. Khi xem xét các phản hồi của cá nhân, các nhà nghiên cứu cũng thu được kết quả tương tự.

Tin vào địa ngục khiến chúng ta kém hạnh phúc hơn
Thiên đường và địa ngục. (Ảnh minh họa: livescience.com)

Tuy nhiên những nghiên cứu lại không chỉ ra được rằng, những người có cuộc sống khốn khổ có xu hướng tin vào địa ngục hơn hay chính niềm tin vào địa ngục khiến cuộc sống của họ trở nên khốn khổ.

Nhằm tìm kiếm bằng chứng, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một cuộc khảo sát mới với 422 người. Họ được yêu cầu viết về thiên đường, địa ngục hoặc những gì họ đã làm hôm trước, sau đó thì đánh giá mức độ trải nghiệm 7 cảm xúc: hạnh phúc, buồn bã, tội lỗi, an toàn, xấu hổ, sợ hãi và bình tĩnh.

Kết quả cho thấy, các đánh giá về cảm xúc của những người viết về thiên đường không có khác biệt gì so với những người viết về các hoạt động của ngày hôm trước. Điều này đặt ra giả thuyết rằng đơn thuần niềm tin vào thiên đường không làm người ta cảm thấy hạnh phúc hơn.

Trong khi đó, những người viết về địa ngục cho thấy họ cảm thấy hạnh phúc ít hơn và buồn bã nhiều hơn những người khác. Điều này đúng với cả những người không theo tôn giáo nào.

“Những người theo tôn giáo có xu hướng cảm thấy hạnh phúc hơn, hoặc ít nhất họ nói là như vậy và điều này có thể là do khía cạnh xã hội của tôn giáo”, phó giáo sư Shariff cho biết. Các nghiên cứu khác lại cho rằng những lợi ích xã hội của tôn giáo lan truyền giữa các cộng đồng theo tôn giáo đó.

Theo vị phó giáo sư này, có vài lời giải thích khả quan cho mối liên hệ giữa địa ngục và cảm giác đau buồn. Địa ngục là một khái niệm tiêu cực, cho nên khi viết về nó, cảm giác tiêu cực sẽ được khơi dậy. Cũng có thể khi nghĩ về địa ngục, những người không có đức tin sẽ nghĩ về những gì họ phải đối mặt khi họ làm điều sai trái.

Những nghiên cứu trước đây của Đại học Kansas cũng cho thấy những quốc gia mà ở đó người dân tin vào thiên đường nhiều hơn địa ngục có tỷ lệ tội phạm cao hơn, và khoảng cách về niềm tin càng xa, tính chất tội phạm càng nghiêm trọng. Mối liên hệ này cho thấy niềm tin vào sự trừng phạt siêu nhiên kiềm chế các hành vi phản xã hội và tạo động lực hợp tác giữa con người.

Trong lịch sử, tôn giáo xuất hiện như một lực lượng thúc đấy các quy tắc xã hội và nuôi dưỡng niềm tin. Tuy nhiên ngày nay, sự hoạt động hiệu quả của cảnh sát và tòa án cùng các cưỡng chế pháp luật đã ràng buộc xã hội không có tôn giáo với nhiều trách nhiệm hơn. Các nhà nghiên cứu dự đoán sự thay đổi này cho phép các tôn giáo mới không tập trung vào sự tồn tại của địa ngục.

“Một thông điệp tích cực hơn sẽ giúp những tôn giáo mới thu hút mọi người”, phó giáo sư Shariff chia sẻ.

 

Theo Vietnam+