Tình cảm sắt son của vợ chồng Thủ tướng Lý Quang Diệu

Người ta vẫn thường nói rằng: “Phía sau thành công của người đàn ông là một người phụ nữ”. Thực vậy, trong hơn 60 năm cuộc đời Lý Quang Diệu, từ khi ông còn là cậu sinh viên trường Đại học Raffles (Singapore) cho đến khi trở thành thủ tướng, không lúc nào thiếu vắng hình bóng người vợ đảm của ông – bà Kha Ngọc Chi. Sau này, ông Lý đã chia sẻ rằng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông chính là những năm theo đuổi cô bạn đồng môn ưu tú này.

Ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi thời trẻ.

Năm 1939, khi mới bước chân vào Đại học Raffles, Lý Quang Diệu và Kha Ngọc Chi là hai đối thủ trong việc học tập. Dù cả hai đều tài năng nhưng trong cuộc “đối đầu” lặng lẽ này, bà Kha – người lớn hơn 2 tuổi vẫn luôn nắm vị trí dẫn đầu. Bà đạt nhiều thành tích xuất sắc trong môn tiếng Anh và Khoa học Kinh tế, những lĩnh vực mà phần lớn phụ nữ Á Đông lúc bấy giờ vẫn còn xa lạ. Từ chỗ nể phục tài năng của nhau, hai người dần nảy sinh tình cảm đặc biệt hơn và quyết định gắn bó.  

Năm 1946, ông Lý chuyển sang Anh để theo học ngành Luật tại Đại học Cambridge. Vì không muốn phải chờ đợi tới 3 năm mới được đoàn tụ với người yêu, bà Kha đã nỗ lực để giành được học bổng của Nữ hoàng Anh cho sinh viên Đại học Raffles. Bà là nữ sinh châu Á đầu tiên vào thời điểm đó giành được suất học bổng này.

Dù vấp phải sự phản đối của gia đình, năm 1947, hai người vẫn bí mật tổ chức kết hôn tại Anh. Điều này cho thấy sự độc lập, quyết tâm và tình yêu to lớn mà hai người dành cho nhau.

Ông Lý và bà Kha trong lễ cưới tại Singapore (1950).

Sau khi tổ chức đám cưới chính thức tại Singapore vào năm 1950, hai vợ chồng đều đầu quân cho một công ty luật. Ông Lý đã không cần phải tuyển thêm bất cứ trợ lý nào vì bên cạnh ông luôn có một trợ thủ đắc lực – cô bạn ưu tú cùng trường thuở xưa. Trong thời gian ông Lý bắt đầu tham gia hoạt động chính trị, mọi bài phát biểu của ông tại Quốc hội đều có sự đóng góp của bà Kha. Bà Kha cũng là người đã giúp ông Lý soạn thảo Hiếp pháp của đảng Hành động Nhân dân.

Song song với việc làm cố vấn cho chồng, bà Kha vẫn giữ tròn vai trò của một “nội tướng”. Bà sinh con đầu lòng Lý Hiển Long (đương nhiệm Thủ tướng Singapore) vào năm 1952, tiếp đó là Vỹ Linh và Hiển Dương vào năm 1955 và 1957. Có thể nói rằng, trong những năm tháng ông Lý bận rộn gánh vác vai trò thủ tướng, bà Kha đã một tay nuôi dạy ba con nên người. Chính ông Lý cũng thừa nhận: “Bà đã nuôi dạy các con trở thành những người biết cư xử, biết quan tâm và không bao giờ ỷ thế là con Thủ tướng. Bà chưa từng để tôi phải lo lắng về tương lai của lũ trẻ vì thu nhập từ nghề luật sư rất ổn định của bà”.

Ông Lý, bà Kha cùng ba con.

Dù sâu trong lòng người phụ nữ luôn muốn có một mái ấm bình yên với chồng con nhưng bà Kha chưa từng “ngáng trở” con đường sự nghiệp của ông Lý. Phải chứng kiến chồng mệt mỏi trước bộn bề công việc, đã có lúc bà Kha thừa nhận rằng: “Đôi khi tôi muốn kéo anh ấy ra xuống khỏi đấu trường chính trị để sống một đời yên bình”. Tuy nhiên, bằng tất cả tình yêu và lòng vị tha của mình, bà vẫn tiếp tục sát cánh để hỗ trợ ông trên mọi “mặt trận” của cuộc đời hai người. Sau này, trong cuốn hồi ký Từ Thế giới Thứ ba đến Thế giới Thứ nhất, ông Lý – người luôn kín tiếng về đời sống riêng tư của đã dành ra vài trang để bày tỏ lòng biết ơn với người bạn đời của mình. 

Thời gian và tuổi tác chẳng chừa ai. Tới 6/2008, sau hai lần đột quỵ nghiêm trọng, bà Kha bị liệt và không nói được nữa. Từ đó, ông Kha hình thành thói quen đến bên giường kể chuyện và đọc thơ cho vợ nghe vào mỗi đêm. Dù bận rộn, không ngày nào ông không dành cho vợ một khoảng thời gian riêng đặc biệt như vậy. Ông từng chia sẻ: Đứng trước tượng Chúa trong ngày cưới, tôi đã thề rằng dẫu có chuyện gì xảy ra, tôi cũng sẽ ở bên, yêu thương, trân trọng và chăm sóc bà ấy cho đến cuối đời. Tôi bảo bà ấy rằng sẽ cố gắng hết sức để luôn đồng hành cùng bà ấy, cho tới bao lâu cũng được. Nhất định có ngày bà ấy sẽ hiểu được lòng tôi”.  

2/10/2010, bà Kha trút hơi thở cuối cùng sau thời gian dài đấu tranh với bệnh tật. Ước nguyện duy nhất của bà là mong các con sẽ đặt tro cốt ông bà sát cạnh nhau, như ông bà đã luôn bên nhau suốt 60 năm cuộc đời. 

Cuối bài điếu văn dành cho vợ, ông Kha đã xúc động nói rằng: “Nếu không có bà, tôi đã là một người khác và sống một cuộc sống khác. Bà đã hy sinh cả cuộc đời cho tôi và các con. Bà luôn ở đó khi tôi cần đến. Bà đã sống một cuộc đời tràn đầy tình yêu thương và ý nghĩa”. 

Ông Lý gửi lời từ biệt cuối cùng tới vợ.

Nguồn: Theo China Times

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.