Tình yêu vĩnh hằng của Clifford và Marjorie

Tình yêu của cụ ông Clifford và cụ bà Marjorie được mệnh danh là “bất khả chiến bại”. Hai người đã cùng vượt qua những ngày đen tối nhất của Thế chiến II. Khi ông Clifford phải ra trận, bị bắt làm tù binh của quân đội Nhật và thậm chí được cho là đã chết trên chiến trường, bà Marjorie vẫn kiên trung chờ đợi với lòng tin không gì lay chuyển được. Cuối cùng, ông thực sự đã quay về và đôi tình nhân gắn bó không rời suốt từ đó cho đến ngày rời bỏ cõi trần.

Cụ ông Clifford qua đời ở tuổi 101, sau đó 14 giờ đồng hồ, cụ bà Marjorie cũng theo chân chồng, hưởng thọ 97 tuổi. Ngày hai người từ trần cũng là ngày kỷ niệm 76 năm cưới.

Cụ ông Clifford và cụ bà Marjorie ngày còn trẻ.

Christine Pearson – con gái của Clifford và Marjorie kể lại: “Mặc dù đã rất yếu, ngay trước khi trút hơi thở cuối cùng, cha tôi vẫn kịp thầm thì với mẹ tôi rằng ông yêu bà. Mẹ tôi không cho ai đưa cha đi, bà nói ‘anh ấy không thể đi đâu mà không có tôi được’.

Đêm ấy, mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Bà nói không thể sống thiếu cha tôi. Tôi không biết làm gì hơn ngoài an ủi bà. Tôi khuyên mẹ nên nhớ về những kỷ niệm đẹp nhất đã có với cha; về ngày cưới; về những kỳ nghỉ lễ hạnh phúc và lần đầu tiên hai người cùng nhảy với nhau. Mẹ nói sẽ làm thế và chúc tôi ngủ ngon. Tôi không ngờ đó lại là những lời cuối tôi được nghe từ mẹ”.

Bà Marjorie đã qua đời ngay trong đêm do một cơn đau tim. “Khi tôi nhìn mẹ, tôi có cảm giác như bà chỉ đang ngủ – một giấc ngủ yên bình. Tôi hy vọng mẹ đã ra đi với những suy nghĩ hạnh phúc về cha và bà sẽ được thanh thản. Bây giờ cha mẹ tôi sẽ được gặp lại nơi thiên đường và sẽ tiếp tục được sát cánh bên nhau. Họ không thể sống thiếu nhau”, Christine nói.

Christine đã tổ chức một lễ tang chung cho cha mẹ mình và rải tro của hai cụ tại bờ biển Swanage, Dorset – nơi mỗi năm gia đình Hartland gồm ba thế hệ đều đến nghỉ mát.

Christine – con gái của cụ ông Clifford và bà Marjorie cầm di ảnh của cha mẹ.

Christine nói rằng cha mẹ cô là một cặp đôi trời sinh và là hai mảnh ghép hoàn hảo. Ông Clifford từng làm quản đốc tại nhà máy xe Morris ở Coventry (Anh). Từ nhỏ ông đã nổi tiếng là một cậu bé thông minh và thường được giao vai trò thủ lĩnh. Bà Marjorie là một người nội trợ đảm đang, làm bánh ngon nổi tiếng. Hai người kết hôn năm 1938 nhưng chung sống mới được 4 năm thì bị chiến tranh làm gián đoạn.

Năm 1942, ông Clifford tham gia Trung đoàn Pháo binh Hoàng gia số 7 và được gửi sang Singapore trong cuộc chiến giữa khối Liên hiệp Anh và đế quốc Nhật.

Cuộc chiến kết thúc với chiến thắng thuộc về Nhật Bản, ông Cliffored cùng 60.000 quân đồng minh khác bị bắt làm tù nhân và phải làm việc tại đường sắt Miến Điện -Thái Lan (hay còn gọi là Đường sắt chết – nguồn cảm hứng của bộ phim The Bridge On The River Kwai, ra mắt năm 1957). 13.000 binh sĩ đã chết trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt này. Có 700 người trong trung đoàn của ông Clifford nhưng chỉ có 4 người trở về và ông là một trong số đó. Hậu chiến, ông Clifford vẫn giữ liên lạc với 4 người đồng đội may mắn sống sót và ông là người cuối cùng trong số họ rời khỏi dương thế.

Ông Clifford đã may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” nhiều lần khi đang là tù nhân chiến tranh. Có lần ông ngồi trên một đoàn tàu bị đánh bom, nhưng lại ngồi đúng toa ít bị vụ nổ tác động nhất. Một lần khác, ông bị một sĩ quan Nhật trừng phạt bằng cách đâm thanh nứa tẩm độc vào chân, nhưng ông vẫn thoát chết vì khi di chuyển qua vùng đầm lầy, đỉa đã hút máu từ vết thương đó. Cái chết đến gần Cliffor nhất là khi bệnh tả quét qua nơi ông đang bị giam cầm. Ông không mất mạng vì dịch bệnh nhưng thể chất bị suy yếu đi nhiều. Bị giảm khẩu phần ăn vì mất sức lao động nhưng ông vẫn cầm cự được qua thời gian khốn khó. Trong khi ở nước Anh xa xôi, vợ ông – bà Marjorie xung phong may dù cho quân đội và không ngơi hy vọng chồng sẽ quay về.

“Đó là sự may mắn và lòng thủy chung. Chính tình yêu với mẹ tôi và khát khao có thể trở về với bà là động lực để cha tôi vượt qua những ngày tháng đen tối ở chiến trường”, Christine nói.

Christine kể rằng cô đã được xem những kỷ vật lưu lại chuyện tình của cha mẹ trong suốt Thế chiến II. Cô nói: “Khi cha tôi nhập ngũ, mẹ tôi đã rất đau khổ. Bà đã viết cho ông vô số bức thư nhưng chúng đều bị gửi trả và đánh dấu chưa đọc. Bà không biết ông đang ở đâu nhưng vẫn tiếp tục viết. Mẹ tôi luôn tin rằng chồng mình vẫn còn sống”.

Ngày 4, tháng 3, năm 1942, lá thư báo ông Clifford đã bị quân Nhật bắt làm tù nhân chiến tranh đến tay bà Marjorie. Không lâu sau, giấy báo tử được gửi về từ chiến trường. Tuy nhiên, bà Marjorie kiên quyết không tin ông Clifford đã chết. Bà không đòi hỏi quyền lợi của một góa phụ chiến tranh mà thay vào đó, mỗi ngày bà đều đến nhà thờ để cầu nguyện cho chồng trở về an toàn. Ngoài ra, bà vẫn tiếp tục viết thư gửi ra chiến trường dù ông Clifford không thể nhận được chúng.

Ngày 2, tháng 9, năm 1945, ông Clifford đã có lần thoát chết “ngoạn mục” nhất trong cuộc đời mình. Ông bị quân Nhật ép phải tự đào một cái huyệt chôn mình và đứng chờ bị xử bắn. Ngay lúc đó, tin quân Đồng Minh chiến thắng về tới và sinh mạng ông Clifford được cứu chỉ trong gang tấc.

Hai tháng sau, ông trở về nhà và được chào đón như một người hùng. Đức vua George VI đã gửi một bức thư đến Clifford để thể hiện sự vui mừng của Hoàng gia khi ông đã anh dũng trở về từ cõi chết. Đức vua quyết định ban thưởng cho Clifford như một sự bù đắp cho những đau đớn và cực khổ của ông trong thời gian tham chiến.

Clifford đã trả lời Hoàng gia rằng ông chỉ sống ở nơi nào có vợ mình, vì thế hai người đã được ban tặng một căn nhà với hai phòng ngủ và chung sống hạnh phúc ở đó. Không lâu sau thì con gái duy nhất của họ – Christine ra đời làm tròn vẹn thêm tổ ấm gia đình.

Gia đình Clifford những năm hậu thế chiến.

Hai ông bà đã sống trong ngôi nhà được ban tặng này trong suốt 60 năm. Đến năm 2009, sau nhiều lần bị ngã quỵ, ông Clifford đã được các bác sĩ khuyên chuyển vào một trung tâm chăm sóc người già.

Christine kể rằng: “Tôi tới thăm cha mẹ ở trung tâm mỗi ngày. Cả nhà chúng tôi đi dạo ở công viên và tổ chức tiệc khi đến ngày nghỉ lễ. Mẹ tôi trông lúc nào cũng quyến rũ. Bà vẫn tô son, thoa phấn để có diện mạo rạng rỡ nhất. Còn cha thì luôn chú ý đánh giày cho thật bóng. Họ cứ luôn ở bên yêu thương nhau như thế cho đến hơi thở cuối cùng”.

Cụ ông Clifford và cụ bà Marjorie tuổi xế chiều trong trung tâm chăm sóc người già.

Nguồn: Theo Dailymail.com.uk

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.