Titanic của Italy đe dọa môi trường biển

Titanic của Italy đe dọa môi trường biển

Một lượng nước ô nhiễm khổng lồ từ các loại thực phẩm thối rữa và hóa chất sẽ thoát ra môi trường sau khi con tàu Costa Concordia được trục vớt hôm 16/9.

Telegraph cho biết, người dân xung quanh khu vực đang lo ngại rằng hoạt động trục vớt tàu Costa Concordia có thể gây ô nhiễm vùng biển còn nguyên sơ của hòn đảo Giglio, Italy, nơi con tàu va phải đá ngầm và nằm nghiêng vào năm ngoái. Lúc gặp nạn, tàu đang chở hơn 4.000 hành khách. Nó được báo chí mệnh danh là “Titanic của Italy”.

Tàu Costa Concordia mang theo một số lượng lớn các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, nước uống và nhiều vật tư khác để phục vụ hành khách. Hơn 10 tấn cá, mỳ ống, 2.000 hũ mứt và gần 17.000 túi trà vẫn còn bên trong tàu. Ngoài ra, khoảng 7 tấn thịt bò sống, gần 11.000 quả trứng và hơn 1.000 lít sữa đang mục rữa phía dưới thân tàu.

Titanic của Italy đe dọa môi trường biển
Tàu Costa Concordia sắp được trục vớt. (Ảnh: AP)

Một số thực phẩm và nước uống đóng hộp được đánh giá là ít có nguy cơ gây ô nhiễm hơn. Tuy nhiên, ngoài thức ăn thối rữa, con tàu còn chở nhiều loại dầu, dầu nhờn và hóa chất khác, cùng hàng ngàn mặt hàng như đệm, quần áo, giày.

Theo ước tính, sẽ có khoảng 29.000 mét khối nước ô nhiễm thoát ra khỏi tàu khi nó được kéo thẳng đứng.

Một kế hoạch ngăn chặn sự ô nhiễm này đã được soạn thảo bởi Arpat, cơ quan bảo vệ môi trường của vùng Tuscany, Italy. Họ sẽ theo dõi chất lượng nước xung quanh con tàu trong suốt 24 giờ mỗi ngày ngay sau khi hoạt động trục vớt diễn ra vào 6h sáng hôm 16/9 theo giờ địa phương (13h theo giờ Hà Nội).

Andrea Orlando, Bộ trưởng Môi trường Italy tháng trước yêu cầu kế hoạch này được làm chi tiết, kỹ lưỡng hơn để có thể ứng phó kịp thời với bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào liên quan đến môi trường biển ở đây.

Các chuyên gia cho biết đây có thể là vụ cứu hộ tàu mắc cạn đắt nhất trong lịch sử, với chi phí ước tính lên đến 800 triệu USD và bảo hiểm trị giá hơn 1,1 tỷ USD. Năm ngoái, việc cứu hộ con tàu từng bị gián đoạn nhiều lần do điều kiện thời tiết bất lợi.

4 thành viên thủy thủ đoàn và một nhân viên công ty chủ quản Costa Cruises đã bị kết án tù hồi tháng 7, vì chịu một phần trách nhiệm trong vụ tai nạn được ví như thảm họa Titanic của Italy.

Thuyền trưởng của Costa Concordia, ông Francesco Schettino bị cáo buộc bỏ tàu trước khi thủy thủ đoàn và các hành khách được giải cứu. Ông vẫn đang bị xét xử tội ngộ sát và gây thiệt hại lớn cho tàu. 32 người đã thiệt mạng trong vụ mắc cạn của con tàu này.

 

Theo VNE