Vợ chồng Dương – Hạnh
Kỷ niệm bữa cơm đầu tiên của cặp vợ chồng trẻ stylist Nguyễn Hồng Hạnh và anh công an Hà Duy Dương là một khám phá bất ngờ: Hạnh bảo nước rau muống luộc thì phải vắt vài giọt chanh mới ngon, còn Dương cãi: nhà anh dầm cà chua và cho chút bột nêm. Thế là phân định ngay “thắng thua” trên nền nhà, bên mâm cơm đơn sơ và nồi nước rau muống luộc. Kết quả, mỗi người một tô canh, ai thích ăn gì thì tự làm mà ăn.
Trai trưởng và gái út
Vì sao ngày ấy Hạnh lấy Dương? Cả hai quá khác nhau, khác từ tính cách đến nghề nghiệp, gia đình, hoàn cảnh… Có phải vì tình yêu? Thật tình thì Hạnh cũng không biết vì sao mà lấy. Hồi đó quen anh Dương cứ nghĩ quen cho vui, một năm rồi… thôi. Tình yêu với cô gái trẻ ấy lúc đầu đơn giản lắm. Yêu người thứ nhất chỉ vì muốn làm ra vẻ người lớn; yêu người thứ hai vì khi đó học ở Nga, phong cảnh đẹp, lãng mạn quá, không yêu thì… phí. Còn gặp Dương thì Hạnh thích vì nói chuyện hợp, có thể nói từ giờ này sang giờ khác, vì cái dáng cao ráo, rắn rỏi rất “manly” của Dương.
Lúc mới yêu, Hạnh cũng “chảnh chọe”, đòi hỏi dữ lắm. Tưởng tượng của Hạnh về tình yêu, gia đình rất lãng mạn, theo khuôn mẫu đi làm về có hoa cắm trong nhà, quà tặng dưới gối. Dương thì lại là một anh công an, sinh ra trong một gia đình toàn công an với cách sống khác hẳn điều Hạnh hình dung. Có lần Valentine, Dương đi đâu về mang cho cô một bông hoa hồng, kiểu hoa người ta bán đầy bên lề đường. Hạnh từ chối thẳng: “Em không nhận quà như vậy. Đã tặng quà phải chọn lựa, phải trân trọng, phải gói cho đẹp, chứ không phải là mua cho có”.
Những khác nhau giữa họ chẳng phải chỉ có Hạnh nhận ra, mà cả người thân cũng lo lắng. Cho nên, ngày Dương đến xin phép gia đình được tìm hiểu Hạnh, bố cô đã hỏi anh: “Hạnh là con út trong nhà, cháu liệu có chiều được nó không?”. Dương hứa với bố Hạnh là anh làm được. Lời hứa ấy cũng trở thành cái cớ cho Hạnh “gây sự” những khi cô không vừa ý về Dương.
Hai năm rưỡi quen nhau, bỗng dưng Hạnh quyết định cưới, cứ như là mọi việc tự nhiên phải như vậy. Nghĩ về quyết định đó của mình, người đàn bà hai con trẻ xinh như thiếu nữ ấy khúc khích cười: “Mà chắc mình lấy chồng phần lớn vì muốn được tự do. Con gái út, bị cả nhà, từ ông bà, cha mẹ đến các chị quản dữ lắm, chỉ muốn được tự do thôi”.
Ba năm đầu của cuộc hôn nhân, với Hạnh kỷ niệm hình như chỉ toàn… ác mộng. Đó là ba năm vợ chồng cãi cọ liên tục, là hàng chục lần viết đơn ly hôn. Tất cả chỉ vì hình dung về một cuộc sống tự do của Hạnh hoàn toàn không phải là thực tế. Với hôn nhân, người ta không thoát ly được gia đình mà còn bị ràng buộc thêm vào một con người và một gia đình khác nữa, với đủ những nguyên tắc, những nề nếp hoàn toàn khác với mình.
Đỉnh điểm là một lần cãi nhau (vì nguyên nhân gì đó mà giờ Hạnh cũng chẳng còn nhớ nữa), Hạnh thu xếp quần áo (như nhiều lần khác), cúi xuống làm bộ hôn con chia tay. Không kiềm chế được, Dương đã thẳng tay tát cô vợ yêu một cái. Cái tát lúc 5g sáng khiến Hạnh bàng hoàng, cô bốc điện thoại gọi ngay cho mẹ. Bố mẹ cô hốt hoảng, hối hả chạy đến và một cú ngã trên cầu thang căn nhà đang xây dở đã khiến mẹ Hạnh chấn thương cột sống. Nghe bố báo tin, Hạnh nháo nhào chạy vào bệnh viện. Mọi tội trạng cô đổ hết lên đầu Dương. Tất cả dường như đã chấm dứt!
Hạnh và chồng con
Những thỏa thuận có lời và không lời
Sau ba năm khốn khổ ấy, họ có thêm 12 năm chung sống hạnh phúc. Cô gái bướng bỉnh ngày nào giờ đã là một người vợ đằm thắm hơn, xinh đẹp hơn. Hạnh làm stylist thời trang cho một tờ báo khá nổi tiếng. Cô nấu ăn rất ngon, làm bánh bán online. Dương vẫn là một chàng công an rắn rỏi, manly. Nhiều người nhìn vào hạnh phúc của họ, hỏi Hạnh: “Vì sao ngày ấy không ly hôn?”.
Hạnh cười: “Vì yêu!”. Hạnh thường bảo, mình cũng như nhiều cô gái khác, hàng chục lần ngồi viết đơn ly hôn, nhưng hình như chưa bao giờ thật sự nghĩ đến chuyện ly hôn. Nhưng nếu khi đó, chỉ cần chồng cũng tự ái mà ký vào, chắc mọi chuyện có thể đã hỏng thật. Buồn cười nhất là Dương cứ ghé mắt xem đơn của Hạnh và bảo: “Có cái đơn cũng không biết viết, hay để anh viết giùm cho”. Thế là lòng Hạnh lại dịu xuống. Ngẫm kỹ lại, tình yêu cũng chỉ là cái cớ để người ta giữ nhau, còn cần nhiều điều khác nữa đã giúp hôn nhân của hai người không tan vỡ.
Đó cụ thể là sự thẳng thắn với nhau mọi chuyện. Ví dụ chuyện tiền bạc. Ngày mới cưới, thu nhập của Hạnh là 15 triệu đồng, lương của Dương chỉ có 700.000đ. Họ thống nhất một quỹ chung đủ cho chi tiêu gia đình, để vào một chỗ. Còn thì tiền ai nấy quản, không quan tâm, không tò mò, không khó chịu về thu nhập riêng của nhau.
Đó là sự bàn bạc, thỏa thuận với nhau sau những xung đột. Hạnh nhớ, cứ mỗi lần cãi nhau to là một lần sau đó họ đề ra thêm được những nguyên tắc để sống chung và tôn trọng nhau hơn.
Đó là sự thống nhất với nhau từ chuyện vợ chồng không được nói ngược nhau trước mặt con cái, chuyện cho con học ở đâu và học cái gì, chuyện không được cãi cọ trước mặt con, chuyện bỏ bớt điện thoại, máy tí nh bảng khi thấy chúng bắt đầu chiếm nhiều thời gian dành cho nhau của hai vợ chồng, chuyện người này thấy người kia hình như khang khác, hình như say nắng, hình như hôn nhân đang nhạt dần sau mười mấy năm cùng vào ra mỗi ngày…
Trò chuyện với Hạnh, có thể được nghe cô kể hàng tiếng đồng hồ những kỷ niệm gia đình hết sức thú vị của mình. Mà toàn những chuyện “xấu” của cô vợ – con gái út. Cô bảo, mình ngày càng đằm hơn, chắc ảnh hưởng tính chồng. Còn chồng Hạnh, vẫn giữ lời hứa với bố cô, chiều vợ hết mực.
Hỏi cô, 15 năm tuy dài nhưng cũng chưa phải là sự khẳng định chắc chắn. Nhiều gia đình còn lâu hơn thế, mà khi được phỏng vấn vẫn trả lời: cuộc sống không nói trước được điều gì. Cứ sống đến đâu, hạnh phúc đến đó đã. Hạnh lắc đầu: “Tụi em xác định chỉ cưới một lần trong đời thôi. Mà… bây giờ, em ăn canh rau muống luộc dầm cà chua thấy ngon rồi, không cần phải làm hai tô như ngày xưa nữa!”. Tô canh nước rau muống luộc.
Nguồn: Theo Phụ Nữ Online
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.