Chọn giờ cho cuộc đại phẫu
Thật ra ý định này đã nhen nhóm từ lâu nhưng tôi không đủ can đảm vì bản tính rất sợ chuyện mổ xẻ, sợ đến bệnh viên, sợ mùi thuốc… Nhưng rồi với công việc của một ca sĩ, cũng có ý định qua nước ngoài đi show nên tôi cần một bộ ngực gợi cảm hơn.
Vậy là cuộc “săn lùng” bác sĩ và trung tâm thẩm mỹ uy tín bắt đầu. Tôi gọi điện hỏi những người quen biết làm trong lĩnh vực làm đẹp, đồng nghiệp và cả người đã từng đi nâng ngực nhưng thật sự rất hoang mang vì quá nhiều thông tin, có người nói bác sĩ này làm đẹp nhưng cũng có người khuyên nên chọn người khác….
Cuối cùng, tôi chọn một bác sĩ dù trung tâm thẩm mỹ của ông không lớn, không quảng cáo rầm rộ nhưng tôi tin vào sự giới thiệu của một người bạn rất thân với mình. Người này đã từng đi chăm cho một người bạn khác cũng nâng vòng 1 do bác sĩ này thực hiện.
Tôi đặt niềm tin vào ông còn bởi ông ăn chay trường, có những người quen thân từng được ông phẫu thuật miễn phí khi không có điều kiện và khao khát có một bộ ngực đẹp (tất nhiên người này phải thân đặc biệt). Với tôi, chi phí cho cuộc “đại phẫu” này không phải là điều quan trọng.
Hẹn ngày đến tư vấn trước khi làm, tôi gặp trực tiếp bác sĩ chứ không qua cuộc hẹn với lễ tân như thường thấy. Khi tiếp xúc, tôi tin vào cảm giác của mình là đã chọn đúng người. Ông hỏi tôi muốn thế nào về kích cỡ cho bộ ngực và đưa ra cho tôi rất nhiều loại túi của các hãng như Nhật, Mỹ, Pháp… để lựa chọn, tất nhiên kèm theo là giá khác nhau và hạn sử dụng cũng khác nhau (mỗi loại túi ngực đều có hạn sử dụng, khoảng 15 đến 20 năm tùy cơ địa). Kèm theo, ông tư vấn rất kỹ những rủi ro và sự cố có thể xảy ra, chẳng hạn chọn kích cỡ lớn nhiều quá so với kích cỡ bộ ngực thật thì có thể khiến chèn ép các cơ, thần kinh, mạch máu… Đặt túi quá lớn thì cơ ngực sẽ không chống đỡ nổi theo thời gian nên dễ bị xệ, lúc đó phải làm lại. Và ông nói thêm về cảm xúc trong thẩm mỹ bởi ở những trung tâm thẩm mỹ có tiếng, bác sĩ thường làm rất nhiều ca mỗi ngày nên nhiều khi họ như một cái máy còn ông thì không bởi ông luôn có một nguyên tắc cho mình là ngày đó làm bao nhiêu ca, nghỉ ngơi, vài ngày sau mới làm tiếp. “Khi bác sĩ một lúc làm quá nhiều bộ ngực họ sẽ bị chai cảm xúc, gặp lúc tâm trạng không tốt mà làm liên tục thì sẽ không thể đẹp được” – ông nói với tôi như thế.
Sau khi nghe ông tư vấn, tôi suy nghĩ nhanh và quyết định chọn loại túi giọt nước của Mỹ với giá trọn gói 3.500 USD, nhưng vì thân với người bạn của tôi nên được giảm 500 USD, còn 3.000 USD. Tôi chọn size vừa với người, nhiều người bảo tôi đặt nhỏ thì “phí” nhưng tôi thấy hợp lý. Túi ngực là một dạng gel, thật ra là silicon đặc an toàn cho người sử dụng. Rủi nó có bể vẫn nằm an toàn trong túi, không bị vỡ ra ngoài, tất nhiên phom dáng chuẩn sẽ mất, phải đặt lại…
Tôi ký vào hợp đồng thỏa thuận kèm giấy bảo hành của hãng túi mà tôi chọn. Lúc này chưa thể quyết định luôn ngày lên bàn phẫu thuật vì bác sĩ đã kín lịch và bản thân tôi có chút tâm linh nên muốn chọn ngày, giờ tốt rồi báo lại sau. Lúc sắp ra về, bác sĩ bảo: “Em nhớ chọn khoảng thời gian sau 10 ngày bắt đầu từ hôm nay nhé vì những ngày sắp tới đã kín lịch”.
Nói một chút về tâm linh. Thật ra không phải tôi quá mê tín mà với tôi đây là một việc rất quan trọng, phải nghĩ đến việc có thể gặp rủi ro nên cần một chỗ dựa, một niềm tin nào đó để bản thân yên tâm hơn. Nhiều người kỹ còn xem tuổi của bác sĩ đó có hợp với mình hay không nữa, nhưng tôi thì không làm quá như thế.
Sau 10 ngày, tôi hẹn với bác sĩ sẽ làm lúc 8 giờ sáng ngày hôm sau. Dù ngày đó tôi có thể làm buổi chiều vì cũng có giờ tốt hợp với mình nhưng tôi chọn buổi sáng sớm vì nghĩ sau một đêm ngủ dậy, tinh thần thoải mái, cảm giác của bác sĩ sẽ tốt hơn.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh: Shutterstock
“Ở cữ” và chung sống
Sáng sớm ngày hôm đó, tôi thức dậy lúc 6 giờ và cùng người bạn thân đến thẳng bệnh viện mà bác sĩ chỉ định (nghe nói ông liên kết với bệnh viện này mỗi khi thực hiện phẫu thuật vì ở đây có điều kiện gây mê đảm bảo).
Cô y tá đưa cho tôi một bộ đồ màu trắng để thay và dẫn tôi vào một căn phòng sạch bóng, mùi thuốc xông lên khi bước vào và cảm giác của tôi lúc đó hơi run và lạnh… Bác sĩ bảo tôi nằm lên bàn phẫu thuật và ông nói vài câu hỏi thăm sức khỏe, sau đó tôi thấy họ chuyền vào cánh tay mình một loại nước gì đó và tôi không biết gì nữa.
Lúc tỉnh dậy đầu tôi hơi nặng và nghe có gì đó bị đè ở ngực. Tôi hỏi bạn thì nói đã 4 giờ chiều. Khẽ nhúc nhích người nhưng hơi đau nên tôi nằm im. Thỉnh thoảng tôi cố ngồi dậy để đi vào toilet vệ sinh nhưng rồi tôi bị tụt huyết áp, cảm giác mệt và không biết gì nữa. Tôi bị chuyển xuống phòng hồi sức một lần nữa đến ngày hôm sau mới được trở lại phòng nằm bình thường. Nằm ở bệnh viện tổng cộng 3 ngày 2 đêm tôi mới được xuất viện. Những ca khác chỉ nằm 1 ngày thậm chí 1 buổi thôi. Bác sĩ bảo do tôi vận động sớm cộng với cơ thể yếu. Còn đứa bạn thân thì bảo: “Nhìn bà lúc đó thấy ghê lắm, làm tôi run muốn chết”.
Xuất viện về nhà, tôi phải “ở cữ” khoảng 1 tuần nữa, chỉ di chuyển từ giường vào toilet, còn lại mọi sinh hoạt bạn tôi phải phụ giúp. Ngực thì bị bó cứng lại để không bị xê dịch, phải mặc áo định hình để giữ nguyên vị trí. Áo này do bác sĩ tư vấn, mua luôn trong bệnh viện do một hãng liên kết bán, khoảng 2 triệu đồng. Tôi phải mặc nó khoảng 1 tháng.
10 ngày sau tôi đến bác sĩ để cắt chỉ và tôi mới thấy vết thương khoảng 2 cm ở 2 đầu ngực. Lúc đó ông nói thêm cho tôi hiểu rằng, nhiều người làm ở dưới nách nhưng tính thẩm mỹ sẽ không cao như ở đầu ngực, sẽ nhìn thấy dấu xẻ rất nhiều. Hơn nữa làm ở dưới nách sẽ đau hơn vì phải nong ra để đẩy cái túi ấy vào và phải sử dụng túi tròn. Còn túi của tôi là hình giọt nước thì phải mở ở đầu ngực. Túi giọt nước thì hơi đổ, nhẹ, có phần rũ xuống nên tự nhiên chứ không đơ, cứng như túi tròn.
1 tháng sau ngày cắt chỉ, nói thật là cảm giác của tôi lúc đó đã bình thường, thỉnh thoảng ở một tư thế nào đó nó hơi nhói, nhưng theo bác sĩ muốn tự nhiên, thoải mái thì phải từ 6 đến 8 tháng. Đến giờ tôi đã làm ngực hơn 1 năm và hình như nó đã hài hòa vào cơ thể mình nên tôi hoàn toàn tự nhiên “sử dụng”, cả trong chuyện ấy…
Hôm nay, trước khi đến gặp chị tôi đã đứng trước gương và ngắm nghía bộ ngực của mình, nâng niu nó một cách hài lòng. Và để chọn lại một lần nữa tôi vẫn đi nâng ngực…
(ghi theo lời kể của một ca sĩ trẻ)
Nguồn: Theo Thanh niên
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.