Tôi không rời bỏ công ty, tôi bỏ việc vì lãnh đạo!

Tôi tốt nghiệp bằng giỏi chuyên ngành ngoại ngữ, ra trường tôi được nhận vào một công ty truyền thông làm việc. Có thể nói, khi vừa được nhận vào công ty, tôi rất vui và tự hảo. Công ty có quy mô lớn hàng nghìn nhân viên, nhìn văn phòng làm việc hoành tráng, ai nấy ăn mặc sành điệu nên tôi thấy mình như được thổi một luồng gió mới. Thế nhưng khi bắt tay vào công việc tôi hoàn toàn vỡ mộng.

Tôi được sắp xếp vào phòng nội dung, bộ phận của tôi gồm 8 người. Ngay từ những ngày đầu tiên tôi đã thấy mình lạc lõng với nhóm. Bản chất tôi là một đứa hoạt ngôn nhưng khi khi làm việc tôi như biến thành một con người khác, ít nói và lầm lì. Mọi người chỉ tập trung vào công việc của mình, chẳng bao giờ giao tiếp với ai. Hỏi ra mới biết, có những người đã làm việc 3 năm nhưng cái cách họ đối xử với nhau không khác gì nhân viên mới. Chính vì thế nên mặc dù xung quanh có rất nhiều bộ phận nhưng nhóm của tôi hầu như không giao thiệp với ai, làm việc một cách cô lập.

Tôi cảm thấy mình không tìm được tiếng nói chung với đồng nghiệp. Để công việc bớt nhàm chán, tôi bắt đầu lân la quan hệ với nhiều bộ phận khác. Tôi thích được nói chuyện, phải nói là một thời gian dài tôi thèm giao tiếp kinh khủng.

Một năm làm việc ở công ty lớn, tôi nhận ra một điều, công ty càng lớn, sợi dây liên kết giữa nhân viên trong công ty càng lỏng lẻo. Công ty tôi có một đặc thù làm làm việc theo nhóm. Chính vì thế, bộ phận nào biết bộ phận ấy, có gặp nhau ở ngoài cũng xem như người xa lạ. Không có văn hóa chào hỏi xã giao.

Tôi không rời bỏ công ty, tôi bỏ việc vì lãnh đạo!

Qua một chị đồng nghiệp, tôi bắt đầu tìm được tiếng nói chung, đó là tham gia câu lạc bộ cựu sinh viên trường tôi làm việc trong công ty. Nhưng đây cũng là căn nguyên khiến tôi bị tẩy chay khỏi bộ phận đang làm. Một năm làm việc, nhưng tôi không thể hiểu được các đồng nghiệp của mình, nói đúng hơn là không có điều kiện để hiểu họ.

Sếp của tôi còn khá trẻ, hơn tôi 3 tuổi, tôi đã từng nghĩ, có lẽ cái nhóm này trở nên lầm lũi như thế chắc chắn là vì chị. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị là một người ít nói nhưng vô cùng khó tính. Chị hay soi mói, hoạch sách nhân viên. Chị không thích cấp dưới của mình “quan hệ rộng”, đặc biệt không ưa những đứa “lẻo mép”. Chúng tôi thường lập nhóm chát để trao đổi công việc với nhau. Nhiều lần tôi thấy không khí làm việc căng thẳng quá nên thường pha nhiều trò, thế nhưng ngồi cả ngày cũng chẳng thấy ai trả lời lại. Điều đó làm tôi có cảm giác tự ti và chán nản.

Giờ nghỉ trưa, nhóm sinh viên chúng tôi hay tụ tập ăn cơm, cafe chém gió đủ chuyện trên trời dưới đất. Mọi người còn đùa nhau “đã là sinh viên của trường, chẳng cần phải biết nhau từ trước, chỉ cần nhìn thấy nhau là có cảm giác gần gũi như người một nhà”.

Nhiều lần sếp nhìn thấy tôi tụ tập hội bạn, chị lườm nguýt và tỏ ra không hài lòng. Sau mỗi lần ấy, tôi nhận ra mình bị chị săm soi công việc nhiều hơn, chèn ép tôi hơn.

Tính tôi rất thẳng, nếu đúng tôi sẽ tranh luận đến cùng để bảo vệ ý kiến của mình. Nếu tôi sai, tôi sẵn sang cúi đầu phục tùng người khác. Nhưng tính sếp thì bảo thủ, không bao giờ chịu lắng nghe ai. Mỗi khi họp để đưa ra ý tưởng nào đó, chị đều khăng khăng với ý kiến của mình. Mọi người có góp ý thì chị phán ra một câu xanh rờn “nhưng mà chị không thích theo người khác. Chị thấy ý tưởng của mọi người không ra gì”. Tôi phục nên cãi ngang “thế thì còn gọi gì là thảo luận. Dù sao ý kiến của mọi người cũng không được đề cao. Em cảm thấy mọi người đang bất hợp tác với nhau”. Nói thế mà chị đùng đùng sát khí chỉ tay vào mặt nói tôi lếu láo.

Sau lần đó tôi được sếp “quan tâm đặc biệt”. Chị liên tục khủng bố tôi bằng những cuộc nói chuyện với giọng hằn học, chỉ đạo “nếu em còn giữ thái độ làm việc như hiện tại, thì chị sẽ giải quyết em theo cách của chị. Nếu em biết điều thì còn hy vọng ở lại. Bằng không, hãy chủ động đi tìm công việc phù hợp với em đi”.

Thật ra tôi không sợ những lời cảnh cáo của sếp. Trái lại tôi thấy chị quá vô lý, chẳng việc gì tôi phải sợ. Vì tôi đâu có làm gì sai. Nhiều người nói rằng, nhân viên đã “bật” lãnh đạo thì nên tìm đường lui sớm, chứ có tiếp tục làm việc cùng nhau thì cũng không yên ổn. Tôi sẽ bị dìm cho đến cùng, và đơn giản họ “thiếu gì lý do” để tống cổ tôi đi.

Mỗi ngày đi làm, đối với tôi là một cực hình, ngoài công việc, tôi bị gây áp lực bằng những đòn tấn công phủ đầu của sếp. Thế nhưng, điều làm tôi thấy uất ức nhất chính là bị “đồng nghiệp tốt” đâm sau lưng. Lý do thì sau này tôi cũng biết, họ muốn nhân lúc tôi không được lòng sếp đẩy tôi ra để cho người thân thế vào vị trí của tôi hiện tại.

Đỉnh điểm trong mâu thuẫn của tôi với sếp là hôm vừa rồi, bắt gặp tôi đang hớn hở trò chuyện với hội cựu sinh viên trong trường. Khi vào giờ làm việc, chị gọi tôi vào phòng nói chuyện. “Chị hoàn toàn không ưa cái thái độ của em chút nào. Không chỉ có em mà sinh viên trường em đang làm việc ở công ty này đều chẳng ra làm sao. Chị thấy cái văn hóa trường em không phù hợp với công ty mình”. Nghe những câu nói đó, tôi cảm thấy mình bị xúc phạm. Tôi tốt nghiệp loại giỏi một trường đại học thuộc top đầu, còn chị thì trình độ cao đẳng. Thực ra lúc đó tôi cũng không còn hứng thú mà làm việc với một lãnh đạo như chị. Tôi nộp đơn xin việc ngay ngày hôm sau.

Nhiều người nói tôi hành động thiếu suy nghĩ, liệu tôi có tìm được công việc với mức lương tốt như hiện tại hay không. Có người còn nói họ không dám hành động như tôi, rằng họ là “nô lệ của đồng tiền”. Dù sao tôi vẫn không hối hận. Tôi không rời bỏ công ty, tôi bỏ việc vì lãnh đạo!

Linh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.