Tôi tốt nghiệp bằng ưu chuyên ngành kế toán tại một trường Đại học thuộc tốp đầu ở Hà Nội. Ra trường 2 năm, tuy kinh nghiệm và thành tích chưa có gì gọi là nổi bật nhưng tôi đã có cơ hội chinh chiến ở cả doanh nghiệp lớn và nhỏ. Bản thân nhận thấy con đường sự nghiệp của tôi không được bằng phẳng như bao bạn bè khác. Tình trạng ma cũ bắt nạt ma mới, môi trường làm việc không chuyên nghiệp, sếp khắt khe và có tính đàn bà… Nói chung tất cả những thói hư tật xấu nơi công sở tôi đã có cơ hội “nằm gai nếm mật”. Bởi vậy, dù tuổi nghề còn ít nhưng tôi đã rèn cho mình một tinh thần thép để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Theo lời giới thiệu của một người bạn, tôi quyết định bỏ việc ở một tập đoàn lớn để sang làm kế toán cho một công ty nội thất. Quy mô không lớn nhưng lương thưởng ở đây cao gấp 3 lần vị trí hiện tại. Đó là vấn đề tôi quan tâm đầu tiên khi quyết định bước chân vào ngôi nhà công sở mới. Ngày đầu chân ướt chân ráo đi làm, tôi đã được trưởng phòng ở đây cảnh cáo một cách ý tứ: “Ở đây người ta không quan tâm đến năng lực mà chỉ đánh giá vào thái độ”. Nghe câu nói đó của sếp, tôi không cảm thấy chột dạ, trái lại còn vô cùng hài lòng, vì đó là điều hiển nhiên trong bất cứ môi trường làm việc nào. Một người thông minh nhưng thái độ trịch thượng, không biết trước biết sau thì chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng tình của người khác.
Thế nhưng, mỗi ngày trôi qua, tôi bắt đầu thẩm thấu dần câu nói mang tính ám chỉ ngày đầu của sếp. Công ty chỉ vẻn vẹn 10 nhân sự nhưng đa số đều tốt nghiệp mấy trường nhàng nhàng. Trình độ chuyên môn không cao, làm việc thiếu khoa học xử lý công việc còn nhiều hạn chế. Nguyên tắc ngầm ở đây chính là cấp dưới không được tỏ ra hiểu biết hơn lãnh đạo. Qua một số nguồn tin, tôi biết được rằng, nhân sự ở đây liên tục thay đổi do không ai trụ được cái nguyên tắc ngược đời của cấp trên. Làm việc ở đây không cần sử dụng quá nhiều chất xám, cái chính là “phải ngoan”, biết nhìn mặt sếp để giải quyết vấn đề.
Thời gian làm việc ở đây bắt đầu từ 8h sáng cho đến 5 rưỡi chiều. Nhưng ai nấy đều phải đến sớm cả nửa tiếng và chỉ được về khi sếp cho phép. Hễ sếp mà lên tiếng đi ăn trưa thì đố ai dám dùng bữa. Nguyên tắc ở đây là thế, vì vậy mà dù nhà có xa thế nào cũng phải cố dậy sớm để có mặt ở công ty thật sớm. Hễ hôm nào mà sếp có nhã hứng “tăng ca” thì nhân viên cũng phải ngoan ngoãn cố thủ lại tới khuya. Mấy ngày đầu chưa quen với tác phong ấy, tôi cứ đến làm việc đúng giờ và ra về khi hết giờ làm việc. Đó cũng chính là lý do tôi bị đánh giá “ý thức kém” trong hồ sơ thử việc. Nhiều lần bị chị phó phòng nhân sự gọi ra nói chuyện riêng chỉ để xoay quanh cái vấn đề “làm việc đúng giờ” của mình.
Nói thật, hai năm chinh chiến trên cả những công ty lớn có, nhỏ có, gặp nhiều khó khăn, nhiều kiểu người. Nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên tôi bị đánh giá “ý thức kém” kiểu này. Do tác phong nhanh nhẹn, cộng thêm tính nhạy bén nên nhiều lần tôi có đề xuất ý kiến cá nhân để nâng cao hiệu quả công việc. Tuy nhiên đều bị từ chối thẳng thừng với lý do “tôi quá non kinh nghiệm, lại đang trong thời gian thử việc nên cần hạn chế đưa nhiều ý kiến”. Thực ra, đây là công ty gia đình, những người đầu não trong bộ máy lãnh đạo đều có quan hệ họ hàng với nhau, tôi tự hiểu “họ không muốn có người hơn mình, nhất là với một người mới thì càng cần phải dấu tài hơn là cố thể hiện ra bên ngoài”. Thiết nghĩ, nếu làm việc trong một môi trường không có cơ hội học hỏi nhiều, đã thế còn không được phát huy năng lực của bản thân thì còn gì là nhiệt huyết và đam mê nữa. Càng ngày, tôi càng thấy hối hận với sự lựa chọn thiếu chín chắn này.
Tính chất công việc không quá áp lực đến mức phải tăng ca nhiều. 8 tiếng hành chính dư sức để tôi giải quyết hết những công việc tồn đọng trong ngày. Nhưng cái kiểu áp đặt nhân viên, kìm hãm sự phát triển năng lực khiến tôi cảm thấy khó chịu. Còn 2 tuần nữa tôi sẽ hết thời gian thử việc, nếu vào chính thức tôi sẽ phải cam kết gắn bó với công ty 5 năm theo hợp đồng. Bằng không sẽ phải bồi thường một khoản rất lớn nếu tự ý bỏ việc. Tôi đang băn khoăn không biết có nên tiếp tục làm việc ở đây hay nên chủ động xin nghỉ trước khi mọi chuyện đã vào guồng. Tôi phải làm sao đây, xin hãy cho tôi lời khuyên!
Linh Su
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.