Tôn trọng sự khác biệt của trẻ

Tôn trọng sự khác biệt của trẻ
Tôn trọng sự khác biệt của trẻ

Tôn trọng sự khác biệt của trẻ

Trên đời này không có hai đứa trẻ giống nhau hoàn toàn. Bắt đầu từ tháng thứ 2, trẻ sơ sinh đã hình thành và bộc lộ tính cách. Một số bé cười nói bi bô suốt ngày, một số đứa khác lại rất ít cười. Có những đứa trẻ trầm tính, thích yên lặng trong khi đó lại có những đứa tay chân ngọ nguậy suốt. Một số trẻ ngủ nhiều, một số lại ngủ ít đến mức bố mẹ chúng phát bực. Một số trẻ nóng nảy, một số khác lại hòa đồng, một số nữa lại sợ sự có mặt của người lạ trong khi số khác lại luôn muốn trình diễn trước mặt mọi người. Một số bé tự lập khi còn rất nhỏ, một số khác lại thích phụ thuộc và được mọi người quan tâm…

Cũng vì trẻ em khác nhau cả về bề ngoài và tính cách, do vậy chúng có nhiều khả năng, mối quan tâm, tài năng, mức độ học hỏi khác nhau. Một số trẻ có năng khiếu bẩm sinh về toán, một số còn lại có khả năng về hội họa. Một số thích chơi các môn thể thao tập thể còn một số lại thích một mình đọc sách trong nhà. Một số trẻ có tính khí dễ chịu và hợp tác, còn một số khác lại hung hăng bảo vệ ý kiến của mình… Những sự khác biệt này làm cuộc sống phức tạp hơn nhưng lại sống động hơn.

Vì bản thân các bố và mẹ cũng đã rất khác nhau với những ông bố bà mẹ khác, nên không cần phải đưa ra những so sánh con mình với con người khác. Việc so sánh giống như một căn bệnh trầm kha. Nó sẽ làm phát sinh sự ganh đua không lành mạnh mà có chiều hướng bao nhiêu cũng không đủ, con người luôn phải tốt hơn chỉ để nhận được sự hài lòng.

Một số bậc cha mẹ bắt đầu so sánh từ rất sớm, nhưng thực tế lại vô nghĩa vì lúc nào, ở đâu cũng luôn có những đứa trẻ thông minh, nhanh trí, tài giỏi, cư xử ngoan ngoãn hơn con mình. Trong một môi trường luôn bị săm soi như thế, một đứa trẻ không có cơ hội công bằng để phát triển những khả năng cá nhân độc đáo và đặc biệt của mình.

Tất cả mọi đứa trẻ lớn lên và hiểu từng bước phát triển tự nhiên của bản thân, sự so sánh không đóng vai trò gì trong những bước phát triển này. Các mẹ hãy nhớ rằng một đứa trẻ không tập đi vì được so sánh với những đứa trẻ khác mà nó thích tập đi vì được người lớn khuyến khích. Khi đứa trẻ vịn ghế đứng lên, chập chững vài bước rồi ngã, người lớn sẽ bỏ hết việc chạy ra khuyến khích bé “Nào bé con, đi ra đây nào”, bố thì vỗ tay tán thưởng, mẹ thì ghi vào nhật ký những bước đi đầu đời của con. Nhưng bạn có thể tưởng tượng điều gì xảy ra khi bố mẹ nói “Đến lúc con tập đi rồi đấy, bằng tầm con bây giờ chị con đã chạy ầm ầm rồi”. Có thể em bé của bạn sẽ chẳng bao giờ tập đi nữa.

Hãy vứt bỏ hết các tiêu chuẩn so sánh hão huyền ấy đi và bạn sẽ thấy tâm hồn mình thư thái, thoải mái với tình yêu thương vô điều kiện.

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.