“Trả lại” thế giới riêng cho con

Tầng 10 khu chung cư tôi ở có tới hơn chục đứa trẻ con tầm tuổi từ 3 đến 6. Nhờ bọn trẻ, thời gian đầu về sống chung, các gia đình nhanh chóng quen biết và gần gũi nhau hơn. Trẻ con thực sự là cầu nối của những người lớn.

Thế nhưng, dạo gần đây, không hiểu sao các con lại tẩy chay bé Tin cạnh nhà tôi. Tin là một cậu bé ngoan và thông minh. 3 tuổi nhưng bé chững chạc, ăn nói đâu ra đấy. Tôi hỏi con gái, nguyên cớ đâu mà bọn trẻ lại “cắt xít” bé Tin như vậy? Con gái hồn nhiên trả lời: “Tại mẹ bạn ấy ạ, mẹ bạn ấy cứ mắng bọn con thôi”.

Khi người lớn bước vào…

Tôi nhớ, một vài lần, khi các con đang cùng nhau chơi ở hành lang, mẹ của Tin cũng đứng kế bên quan sát. Ngỡ đâu chị ấy đứng xem để hiểu thêm về các con, nhưng không phải. Con gái kể, hễ ai tranh đồ chơi của Tin là “mẹ bạn ấy mắng”. Trẻ con, chuyện tranh giành đồ chơi hay đánh nhau là thường tình, nhưng với mẹ Tin thì không thế. Vài lần, có bé nào đánh hoặc tranh đồ chơi là Tin về mách mẹ. Ngay lập tức, mẹ của bé sẽ ra và mắng ngay “đứa nào” đánh hoặc tranh đồ chơi mà không cần tìm hiểu lý do tại sao.

Lâu dần, bọn trẻ cảm thấy ái ngại khi chơi với Tin. Chúng không dám động vào Tin và cảm thấy không thoải mái khi có mặt mẹ Tin bên cạnh. Thế giới của chúng bỗng nhiên mất đi sự vô tư hồn nhiên vốn có. Và đó là lý do dạo gần đây, Tin len lén đứng nhìn các bạn và các anh chị chơi mà không dám bén mảng lại gần.

Hãy nhường thế giới cho bọn trẻ

Con gái tôi thi thoảng cũng mách bị người này đánh, người kia “cắt xít”, nhưng tôi thường không mấy khi tham gia với câu chuyện của bọn trẻ. Tôi hỏi con gái lý do tại sao mà bị đánh, bị “cắt xít” và giải thích cho con nghe con cần làm gì, giải quyết ra sao, sau đó, tự các con sẽ có cách giải quyết của riêng mình. Đôi lúc, tôi cũng hỏi han chuyện trò với các bé để xem con mình như thế nào và có gì khúc mắc tôi cũng giải đáp, nhưng không phải là lúc chúng vừa đánh mắng nhau.

Trẻ con, chúng có thế giới riêng, cách chơi riêng. Tôi nghĩ rằng, chúng luôn biết giải quyết theo cách của chúng. Việc tôi can thiệp ngay lúc sự việc xảy ra, chẳng những biến tôi thành kẻ vô duyên, hắc ám trong thế giới của chúng mà còn khiến chúng trở nên e ngại khi chơi với con tôi. Giống như mẹ bé Tin ở trên, do quá yêu chiều và xót con, chị đã can thiệp vào chuyện của bọn trẻ. Hơn nữa, là chị đổ lỗi cho bọn trẻ về việc tranh giành đồ chơi cũng như đánh Tin. Vậy nên, bọn trẻ con ngày càng e dè và lảng tránh Tin. Chúng sợ, nếu chúng nó lỡ động đến Tin thì lại bị mắng, thậm chí còn bị đánh vào tay (dù là nhẹ). Tin bỗng nhiên trở nên cô đơn.

Tôi biết, có rất nhiều bậc phụ huynh khi thấy con khóc hay con bị đau thì rất xót xa. Nhưng thay vì hỏi han, giải thích với lũ trẻ đã vội vàng tìm đến bạn bè con mà mắng xối xả. Tại sao mẹ không nghĩ, không hỏi xem lý do tại sao con bị đánh? Hỏi xem con nghĩ là nên giải quyết việc đó thế nào? Tại sao không hướng dẫn con giải thích hoặc nói chuyện với các bạn sao cho thỏa đáng? Để thế giới của chúng, vẫn vô tư và hồn nhiên như nó vốn có.

Lê Minh

 

Mời mẹ xem thêm bài viết:
Mẹ và “cuộc chiến” với hủ tục để bảo vệ con
Này bố mẹ, hay ho gì “lôi” nhau lên mạng xã hội mà cãi nhau!
Chết cười với “tuyệt chiêu” cai sữa của mẹ

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.