Đi ngược lại phần lớn các quan điểm được đưa ra trước đây, Gabriel Vecchi, nhà hải dương học làm việc tại một phòng thí nghiệm về các dòng động năng địa vật lý ở Mỹ kết luận rằng tình trạng khí hậu trái đất nóng lên có thể khiến cho các biến động về hướng gió và cường độ gió tăng lên, và điều này sẽ làm giảm nhẹ cường độ của các trận bão trong tương lai.
Các mô hình dự báo trước đây cho rằng chính nhiệt độ bề mặt đại dương tăng lên là yếu tố hình thành các cơn bão. Vì vậy, nhiệt độ tăng sẽ làm cho các trận bão có sức tàn phá mạnh hơn.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Gabriel Vecchi, nhiệt độ tăng lên cũng sẽ gây biến động mạnh về hướng gió và cường độ gió, sẽ kìm hãm sự hình thành những cơn bão lớn; nhưng biến động về hướng gió và cường độ gió không phải là một hiện tượng riêng rẽ, mà còn phải đặt nó trong bối cảnh một thế giới đang ngày càng nóng lên, hoạt động của bão cũng sẽ tăng lên.
Theo TTXVN, hiện tại, các nhà khoa học chưa biết hai yếu tố này sẽ kết hợp với nhau như thế nào. Họ cũng quan tâm nghiên cứu mối liên hệ giữa gió Đại Tây Dương với gió Thái Bình Dương, là yếu tố ảnh hưởng đến thời tiết toàn cầu. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi nhiệt độ tăng lên, gió lưu thông trên vùng khí quyển Thái Bình Dương chậm lại và có thể làm tăng biến động về hướng gió và cường độ gió ở khu vực này, yếu tố mà các nhà khoa học cho là sẽ có tác động rất lớn đến hiện tượng bão.
B.T.L
Theo Người lao động