Mặc dù gần 2.000 bao dầu đã được thu dọn (mỗi bao khoảng 50-70kg) trong ngày 31.1, tuy nhiên, đến chiều 1.2 thì dầu vón thành từng cục lớn vẫn theo sóng biển tiếp tục tấp vào bờ và trải dài trên bờ biển Hội An, Điện Bàn.
Nghiêm trọng hơn, diện tích vết dầu loang đã trải dài ra Đà Nẵng, băng qua biển Duy Xuyên, Tam Kỳ (Quảng Nam) và vào đến Quảng Ngãi. Mối nguy hại cho hệ sinh thái và du lịch ven biển miền Trung đã quá rõ.
Người dân Hội An đang thu gom dầu bằng tay. (Ảnh: Laodong) |
Trước sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường du lịch, ngay trong buổi sáng 1.2, thị xã Hội An không thể khoanh tay ngồi chờ các cơ quan chuyên môn, mà nhanh chóng huy động thêm hàng trăm dân quân, bộ đội địa phương để ra thu dọn bờ biển cùng với 200 người dân sinh sống tại khu vực này. Dầu vón cục khi tràn vào bờ gặp nắng nở to và tan ra. 3.000 bao tải nhỏ đã được phân phát cho hai phường Cẩm An và Cửa Đại.
Ông Lê Công Mạnh – đội quản lý bảo vệ môi trường biển Cửa Đại – cho biết, váng dầu lan rộng và vượt qua cả khu vực Đồn biên phòng 276. Hàng trăm du khách không dám xuống tắm biển, vì xung quanh toàn là dầu đóng cục.
Theo tin báo của ngư dân thì cách bờ khoảng 5-8km, khi kéo lưới lên thì gặp toàn dầu đen kịt. Trong ngày 31.1, UBND tỉnh đã huy động tàu ra khơi để khảo sát và tìm hiểu nguyên nhân, tuy nhiên do sóng ngoài khơi trên cấp 6 nên tàu không thể tiếp tục ra khơi được.
Vào lúc 15 giờ 30 phút chiều 1.2, lãnh đạo thị xã Hội An đã tổ chức cuộc họp khẩn giữa các cơ quan chức năng để tìm giải pháp đối phó trước việc dầu đang tiến vào bờ quá lớn. Bí thư thị xã Hội An Nguyễn Sự đã nhấn mạnh: Huy động toàn bộ lực lượng, nhân dân của thị xã để đối phó và tổ chức thu gom dọc theo 7km bờ biển. Thời gian thu gom được chia làm 2 ca và kết hợp cả thuê ghe, tàu cơ động vớt dầu ngay dưới nước.
Ngoài ra, tất cả các khách sạn đã đào hố chôn váng dầu xuống đất trước đây thì phải kiên quyết yêu cầu đào lên. Nguyên nhân chính xảy ra sự cố trên đến thời điểm này vẫn chưa được xác định.
Ông Dương Chí Công – Giám đốc Sở TNMT Quảng Nam – cho biết: Lãnh đạo Chi cục Thuỷ sản miền Trung – Tây Nguyên đã về Quảng Nam, kiểm tra tình hình tràn dầu tại các vùng biển của tỉnh.
Ông khẳng định: Dầu tràn là dầu nhựa đường chứ không phải dầu máy. ảnh hưởng môi trường của sự cố này là rất nghiêm trọng, sẽ tác động tiêu cực đến nguồn lợi thuỷ hải sản, hoạt động du lịch. Sau khi khắc phục xong hậu quả, sẽ có đánh giá khoa học về tác động môi trường, vì đây là cơ sở để quy trách nhiệm, xử lý theo luật.
Dầu được tập kết chuyển về bãi rác để đốt. (Ảnh: Laodong) |
Theo lãnh đạo Sở TNMT, rất có thể tàu nào đó đã bị đắm, gây ra hiện tượng trên, chứ không phải sà lan kia. Đến nay, vẫn chưa xác định được nguồn gốc dầu tràn ra từ đâu. Sở đã có văn bản gửi cơ quan chức năng trung ương, đề nghị xác định giùm thời gian qua có tàu nào bị đắm trong khu vực này không.
Chính quyền và nhân dân các địa phương đang khẩn trương thực hiện công tác khắc phục môi trường bằng cách gom dăm gỗ, dầu vào bao và đem xử lý. Phương pháp dùng phao ngăn dầu lan ra, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó GĐ Sở TNMT, bởi muốn thực hiện thì phải xác định được khu vực gây ra tràn dầu, rồi khoanh vùng lại, dùng phao ngăn.
Theo ông Trương Văn Bay – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hội An – thì, tính đến 17 giờ ngày 1.2 vẫn không thấy tăm dạng của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu. Địa phương chỉ biết xử lý bằng phương pháp thủ công là thu gom bằng tay.
Tuy nhiên, số lượng bao tải chứa dầu đóng cục quá lớn nên thị xã vẫn chưa biết xử lý bằng cách nào. Nếu dùng biện pháp đốt thì rất khó. Hiện nay, UBND thị xã đã chi trước 100 triệu đồng để làm công tác thu gom và vận chuyển lượng dầu đóng cục trên…
Một đội lặn đến từ Quy Nhơn, đã ra Cù Lao Chàm để ứng cứu cho sà lan Marco Polo, nhưng sóng lớn nên chưa thực hiện được. Khi nào thời tiết thuận lợi, sẽ tiến hành xác định, sau đó sẽ kéo vào Cù Lao Chàm sửa chữa.
Hôm nay (2.2), UBND thị xã Hội An sẽ tổ chức một tàu ra khơi và Cù Lao Chàm để khảo sát và xác định rõ nguyên nhân. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật và phản ánh về sự cố trong số báo tiếp theo.
Võ Tuấn
Theo Lao động