Nếu Chính phủ Mỹ quẳng máy quay trên mặt trăng, một phi hành gia vì tiếc rẻ nhặt lên và mang về trái đất, liệu người này có được quyền sở hữu và bán nó không?
Đó là câu hỏi mà Chính phủ Mỹ đang yêu cầu tòa án liên bang phải trả lời dứt khoát trong vụ kiện tụng đình đám “nước Mỹ đối đầu Edgar Mitchell”. Theo đơn kiện đã được tòa án tại Miami thụ lý mới đây, nguyên đơn là Washington muốn tòa truất quyền sở hữu của bị đơn Edgar Mitchell – phi hành gia thứ 6 của nước này đặt chân lên mặt trăng – đối với chiếc máy quay đã được sử dụng trong sứ mệnh Apollo 14 vào năm 1971, và tuyên rằng đây là thuộc quyền sở hữu riêng của nước Mỹ, theo Reuters.
Sau khi trở về trái đất, Mitchell đã giữ chiếc máy quay đó trong suốt 4 thập niên qua, trước khi muốn bán đấu giá món vật này tại New York với giá dự định vào khoảng 60.000 – 80.000 USD. Tuy nhiên, phiên đấu giá đã bị hủy bỏ vì NASA quyết định kiện lên tòa trong nỗ lực thu hồi nó.
Rác thành của quý
Cần nhắc lại xuất xứ của chiếc máy quay này. Với kích thước 15x10x5 cm, thiết bị thu nhận dữ liệu (DAC) là một trong 2 máy quay có trên khoang đáp Antares của phi thuyền Apollo 14 khi nó hạ cánh lên bề mặt mặt trăng vào ngày 5.2.1971. Có chức năng ghi nhận dữ liệu kỹ thuật, địa hình và hình ảnh bề mặt mặt trăng, DAC được đặt bên trong Antares, chĩa ra cửa sổ hướng về phía phi hành gia Mitchell di chuyển. Nó đã quay lại 5 phút cuối cùng khi khoang Antares chạm lên bề mặt cao nguyên Fra Mauro của mặt trăng.
Sau hơn 33 giờ trên mặt trăng, với 2 vụ đi bộ và một vài động tác thử nghiệm khác, Shepard và Mitchell rời khỏi bề mặt chị Hằng, lúc đó DAC vẫn còn trên khoang. Theo kế hoạch, máy quay sẽ được bỏ lại Antares để giảm trọng lượng cho khoang Kitty Hawk trên đường trở về trái đất. Tuy nhiên, Mitchell đã quyết định giữ lại DAC, cùng những món lặt vặt khác, như là vật kỷ niệm trong hành trình đáng nhớ của mình, theo như ông chia sẻ trên đài WPTV.
Hình ảnh DAC quay ông Mitchell trên mặt trăng – Ảnh: Reuters
Những vật lưu niệm
Các nhà du hành vũ trụ trên Apollo 14 không phải là phi hành đoàn duy nhất thu thập vật lưu niệm trong hành trình đến mặt trăng, mà hầu như ai cũng vậy. Các phi hành gia trên Apollo 12 và 15 xé một phần ba lô trên bộ đồ phi hành trước khi vứt bỏ chúng xuống bề mặt mặt trăng. Còn những người khác giữ lấy cần điều khiển module, hay dây cáp hỗ trợ… NASA chẳng lưu tâm lắm về chuyện phải mang những vật này về trái đất, mà kế hoạch luôn là chôn chúng xuống hố va chạm, được tạo ra khi khoang hành trình đáp xuống mặt trăng. Khi thu thập vật lưu niệm, các phi hành gia thường hỏi lại sếp ở Trung tâm không gian Johnson. Và trong trường hợp của Mitchell, ông nói rằng họ có thỏa thuận với giới quản trị NASA là các vật nhỏ không gây quá tải thì có quyền mang về.
Lịch sử của NASA từng ghi nhận lại những vấn đề trên, nhưng theo một cách không chính thức. Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 9.1972, Donald “Deke” Slayton, đứng đầu bộ phận phi hành gia của NASA, cho hay các nhà du hành thường ghi lại những vật dụng mà họ muốn sưu tập trước mỗi chuyến đi và đưa cho ông. Khi đã báo cáo rồi thì các phi hành gia cứ thế mang về, theo báo Tucson Daily Citizen.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có ông Mitchell là người đầu tiên nghĩ đến chuyện thu lợi từ các vật này, trong khi các đồng nghiệp khác của ông thường cho những bảo tàng mượn.
Theo TNO