Trẻ bị sổ mũi, chảy nước mũi: nguyên nhân và phương pháp điều trị

Trẻ bị sổ mũi

Trẻ hay bị chảy nước mũi, sổ mũi?

Thời tiết thay đổi đột ngột sẽ làm cho cơ thể nhiều trẻ nhỏ không kịp thích nghi, dễ gặp phải các bệnh về tai mũi họng. Do không muốn con mình phải uống kháng sinh, nhiều mẹ tự chữa cho con theo cách “dân gian”, tuy nhiên nếu bạn làm không đúng cách …con bạn có thể sẽ bị nặng hơn.

Hỏi:

Chào bác sĩ, con tôi thường xuyên bị ho, sổ mũi khi thay đổi thời tiết, đặc biệt là trong mùa đông và thời điểm giao mùa. Rất mong được bác sĩ chỉ cho nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị sổ mũi ở trẻ em. (Nguyễn Hương)

Trả lời:

Nguyên nhân:

Trẻ hay bị sổ mũi là do bị viêm VA mũi cấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé hay chảy mũi như: nhiễm vi khuẩn, virus, do thời tiết quá lạnh… Khi trẻ em bị sổ mũi, đờm trên mũi sẽ chảy xuống họng gây cảm giác vướng đờm, đau họng và gây ho để đẩy chất đờm đó ra ngoài.

Phương pháp:

Để tránh cho trẻ sổ mũi, điều quan trọng là bạn cần giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, tránh để con tiếp xúc với người có bệnh (đây là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp).

Khi trẻ bị bệnh, bạn cần vệ sinh sạch mũi cho trẻ bằng cách sau:

Bước 1: Đặt trẻ nằm nghiêng đầu sang 1 bên. Đặt vòi phun chai nước muối biển vào sát vách lỗ mũi, (lưu ý không được dí sâu vào trong mũi bé).

Bước 2: Ấn nhẹ nhưng cần dứt khoát liên tục trong 2-3 giây.

Bước 3: Lặp lại động tác trên với đầu trẻ nghiêng về bên còn lại. Việc làm này giúp rửa sạch mũi trẻ rất hiệu quả.

– Sau khi xịt mũi 5 phút, dùng dụng cụ hút mũi hút sạch dịch nhầy ở 2 lỗ mũi.

– Vệ sinh mũi cho trẻ lớn, đã biết nhận thức cũng có thể thực hiện theo 3 bước như trên. Nhưng trẻ lớn có thể ngồi, nghiêng đầu sang một bên để xịt. Sau đó thì xì sạch mũi là được.

Bạn có thể thay thế bình xịt bằng cách dùng lọ nước muối sinh lý 0,9% và 1 xylanh 10 ml. Bạn dùng bơm tiêm 10 ml bơm nước muối vào mũi theo các bước như trên sau đó xì sạch mũi ra.

Nếu bé bị nhiễm virus, bạn chỉ cần vệ sinh mũi, giữ ấm cho bé, bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày. Nếu bé bị nhiễm vi khuẩn, bạn cần kết hợp cho bé uống kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ và bệnh cũng sẽ hết trong vòng từ 5-7 ngày tùy theo sức đề kháng của trẻ. Ngoài ra nếu con bạn bị sổ mũi liên tục, kéo dài mặc dù đã điều trị đúng và đủ, bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa, bé có thể phải cần nạo VA để loại bỏ ổ nhiễm khuẩn.

Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường

4 sai lầm các ông bố, bà mẹ nên tránh khi trẻ bị sổ mũi:

1. Nhỏ nước tỏi ép vào mũi bé

Tỏi chứa chất Allicin có thể diệt vi trùng và vi nấm. Nó có thể phòng ngừa cúm và điều trị cúm. Tuy nhiên, việc nhỏ nước tỏi ép vào mũi là rất nguy hiểm vì nó dễ gây nóng rát, phù nề có thể làm bỏng niêm mạc mũi của trẻ. Trẻ dưới 3 tuổi càng có nguy cơ nhiều hơn do niêm mạc mũi trẻ rất mỏng, trong khi đó nước tỏi lại nóng và cay, nhất là nước tỏi đậm đặc. Ngay cả với người lớn, nếu dùng nước ép tỏi nhỏ mũi nồng độ quá đặc cũng dễ bị bỏng niêm mạc mũi.

2. Hút mũi cho trẻ

Trẻ khi sổ mũi thường dễ bị ngạt mũi hoặc nhiều đờm gây khó thở, khò khè. Thấy trẻ có những biểu hiện vậy, nhiều phụ huynh thường tự xử trí bằng cách đưa miệng hút mũi cho em bé nhưng khi cha mẹ dùng miệng hút mũi bé thì mầm bệnh trong miệng sẽ lây cho em bé. Thực tế ,cách làm này sẽ lợi bất cập hại vì khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

3. Rửa mũi quá nhiều

Nhiều cha mẹ còn cẩn thận xịt, rửa mũi hàng ngày cho bé dù con không bị ngạt mũi hay viêm mũi để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp. Đây cũng là sai lầm làm hại tới trẻ.

Mũi của trẻ và người lớn cũng như nhau, bình thường có cơ chế tự làm sạch. Rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi. Trong khi đó, chất nhầy này có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Nếu mất đi chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi, dễ bị viêm hơn.

4. Lạm dụng thuốc nhỏ mũi

Những thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid chỉ được dùng dưới 7 ngày và nhất định phải theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc coricoid nếu dùng không đúng sẽ gây một số biến chứng, nhất là ở trẻ em như ức chế vỏ thượng thận tiết hormone làm tăng giữ muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt, tăng đường huyết… Đặc biệt, khi có các tổn thương khu trú ở mũi mà dùng thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid sẽ ức chế sự lành vết thương.

HÃY HIỂU BIẾT HƠN ĐẾ MANG LẠI SỰ AN TOÀN VÀ ĐIỀU KIỆN TỐT NHẤT CHO CON BẠN

1 bình luận

Quan Bea ·

Đại Học Bôn Ba

Mọi người cùng tham khảo cách phòng và chữa bệnh hô hấp, do bác sĩ Viện Nhi Trung Ương hướng dẫn này http://vuivai.net/photo/3602

21 Tháng 9 2014 15:31

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.