Trẻ được ca ngợi quá mức về trí thông minh thường cố làm mọi điều để xứng đáng với sự ngợi khen đó, kể cả gian lận trong thi cử.
Một công trình vừa được công bố trên tạp chí khoa học Psychological Science cho thấy trẻ em từ 3 tuổi trở lên có thể phát triển những dấu hiệu không trung thực nếu như cha mẹ ca ngợi quá nhiều về trí thông minh và những thành tích học tập vượt trội của trẻ.
Những lời ca ngợi quá mức, nhất là ca ngợi về trí thông minh, hoàn toàn bất lợi cho trẻ – (ảnh: INDEPENDENT).
Tác giả Gali Heyman, nhà tâm lý học phát triển tại UC San Diego, nói: “Có vẻ thật phổ biến và tự nhiên khi cha mẹ nói cho con cái biết chúng thông minh như thế nào”. Thế nhưng, những lời ngợi khen đó lại trở thành một thứ áp lực và cả cám dỗ với trẻ, khiến trẻ sẵn sàng gian lận để tiếp tục được ngợi khen.
Một thí nghiệm đã được tiến hành dựa trên 300 trẻ em 3 và 5 tuổi ở Đông Trung Quốc, quê hương của đồng tác giả nghiên cứu – nhà tâm lý học Kang Lee (Đại học Toronto, Canada). Các em bé được cho chơi game, sau đó, một số trẻ được ca ngợi về trí thông minh của mình, một số khác thì được ca ngợi về thành tích đạt được, một số trẻ thì không.
Các trẻ được khen ngợi được yêu cầu hứa rằng sẽ không gian lận trong lần chơi tới. Một tờ giấy ghi kết quả được để gần khu vực chơi, kèm một máy quay ẩn. Lần chơi thứ hai, nhiều trẻ trong nhóm được khen ngợi, nhất là khen về trí thông minh, đã cố liếc nhìn kết quả để mong đạt được thành tích tương tự hoặc hơn.
Nghiên cứu này đã phát triển những luận điểm từng được Giáo sư Carol Dweck, nhà tâm lý học của Đại học Stanford (Mỹ), đưa ra trước đó. Theo bà Dweck, những đứa trẻ nên được ca ngợi về nỗ lực của chúng chứ không phải là trí thông minh của chúng. Như vậy, trẻ mới có động cơ để tiếp tục cố gắng và thành công trong tương lai.
Những lời ngợi khen vô tình trở thành một thứ áp lực và cả cám dỗ với trẻ.
Giáo sư Dweck cũng phát hiện ra rằng, những đứa trẻ tin rằng trí thông minh của chúng có thể được phát triển, chứ không phải một thứ cố định, sẽ được trang bị tốt hơn để đối phó với các trở ngại.
Việc khen ngợi trẻ đúng cách cũng từng được các chuyên gia trong nước đề cập. Trong một hội thảo về tâm lý trẻ em được Bệnh viện Nhi Đồng 1 tổ chức giữa năm 2017, ThS-BS Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý của bệnh viện này từng khuyên phụ huynh không nên so sánh con với bạn bè. Nếu cha mẹ chê con mình thua bạn A, bạn B, trẻ sẽ tự ti; còn cứ khen con mình hơn con người khác sẽ khiến trẻ trở nên kiêu ngạo, ảnh hưởng đến sự nhận thức bản thân và những cố gắng của trẻ trong quá trình học tập, tích lũy kỹ năng xã hội.