Rất nhiều mẹ có thói quen cho trẻ uống kháng sinh một cách “vô tội vạ”, thậm chí chỉ cần con ho hay sổ mũi cũng nghĩ ngay đến kháng sinh. Tuy nhiên, trẻ không thực sự cần dùng kháng sinh nếu có các vấn đề về đường hô hấp như viêm họng, ho và chảy nước mũi. Trong những trường hợp này, thuốc kháng sinh còn có hại hơn là giúp trẻ cải thiện sức khỏe nhanh chóng.
Thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt vi khuẩn, không phải virut
Nếu bé bị nhiễm khuẩn, thuốc kháng sinh có thể giúp ngăn ngừa vi khuẩn tấn công cơ thể con. Nhưng nếu trẻ bị nhiễm virut, trong mọi trường hợp gần như thuốc kháng sinh vô tác dụng. Mẹ có biết:
• Hầu hết các loại cảm lạnh và cúm đều do virut gây ra.
• Viêm phế quản cũng là do virut. Viêm phế quản thường đi kèm với ho, có đờm và chất nhầy ở cổ họng, mũi.
• Hầu hết các loại viêm xoang cũng xảy ra do virut.
Thuốc kháng sinh không giúp trẻ khỏi bệnh
Thông thường, thuốc kháng sinh không thể chống lại được cảm lạnh, cúm, viêm phế quản và viêm xoang vì các loại bệnh trên đều do virut gây ra. Đôi khi vi khuẩn gây nhiễm trùng xoang, nhưng sau đó nhiễm trùng sẽ tự khỏi trong khoảng một tuần. Một vài loại nhiễm trùng tai cũng tự khỏi mà không cần dùng đến thuốc kháng sinh.
Dùng thuốc kháng sinh có thể gặp rủi ro
Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh là một trong những lý do chính khiến trẻ phải nhập viện khẩn cấp. Thuốc kháng sinh có thể gây ra tiêu chảy, nôn mửa. 5/100 trẻ em cũng có triệu chứng dị ứng với các loại thuốc kháng sinh.
Sử dụng thuốc kháng sinh liều cao cũng làm vi khuẩn thay đổi mạnh mẽ hơn và kháng thuốc. Điều này có nghĩa là lần sau con bạn dùng thuốc kháng sinh, thuốc sẽ không có tác dụng.
Dùng thuốc kháng sinh gây lãng phí
Rất nhiều bà mẹ tin vào công dụng của thuốc kháng sinh nên không bao giờ tiếc tiền vào việc mua thuốc kháng sinh đắt tiền để điều trị bệnh cho trẻ nhỏ. Như đã nói ở trên, đây là cách họ “ném tiền qua cửa sổ” và còn khiến sức đề kháng tự nhiên của trẻ bị yếu.
Các trường hợp trẻ nhỏ cần dùng thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng nếu bạn sử dụng đúng bệnh, đúng cách và đúng lúc, bao gồm các trường hợp sau:
• Ho không cải thiện trong 14 ngày.
• Xét nghiệm chỉ ra trẻ bị bệnh liên quan đến vi khuẩn (ví dụ như ho gà).
• Các triệu chứng của bệnh viêm xoang không thuyên giảm sau 10 ngày.
• Trẻ có dịch nhầy màu vàng xanh từ mũi và nhiệt độ cao trên 38 độ kéo dài một vài ngày.
• Trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn.
Nguyễn Mai – Nguồn: HC
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.