Chị N.H. (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) kể, vừa rồi, một nữ đồng nghiệp của công ty chị đi khám sức khỏe thì bất ngờ phát hiện bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Vì giai đoạn này thường không có bất cứ một triệu chứng gì nên chị này cũng vô cùng bàng hoàng khi biết mình mắc bệnh.
Thấy hoàn cảnh của bạn, H. cũng rất lo sợ và đến phòng khám phụ khoa để khám. Rất may là H. chỉ bị viêm nhiễm nhẹ. H. còn được bác sỹ khuyên nên đến các bệnh viện sản phụ khoa, trung tâm y tế dự phòng để tiêm ngừa ung thư cổ tử cung.
H. kể: “Bác sỹ bảo vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung tiêm được cho cả người có gia đình và chưa có gia đình. Trường hợp của mình chưa có gia đình, lại chưa từng có quan hệ tình dục nên vắc-xin sẽ có hiệu quả bảo vệ rất tốt và không cần thiết phải làm xét nghiệm gì trước khi tiêm chủng”.
Khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan đến việc bị nhiễm loại virus nhóm papilloma có tên gọi là Human Papilloma Virus (HPV). Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác dẫn đến ung thư cổ tử cung như ăn uống kém dinh dưỡng, hút thuốc lá, suy yếu hệ thống miễn dịch, lười khám phụ khoa…
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ, nhất là trong độ tuổi 35 trở lên. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ những phụ nữ trẻ chỉ ngoài 20 tuổi cũng bị mắc loại ung thư này. Trên thế giới, cứ 2 phút lại có một phụ nữ chết do ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong. Tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung ở TP.HCM nhiều hơn ở Hà Nội.
Khi mắc bệnh, phụ nữ có thể phát triển mụn cóc sinh dục, gây biến dạng bộ phận sinh dục, làm giảm sức hấp dẫn tình dục. Nếu phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời thì có thể chữa được bệnh. Nhưng nếu phát hiện muộn, ngoài việc phải điều trị, phẫu thuật tốn kém, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ hoàn toàn cổ tử cung, tử cung và buồng trứng, mất khả năng làm mẹ, thậm chí tử vong.
Các bác sỹ sản khoa cho biết, tiêm vắc-xin ngừa HPV là cách phòng bệnh hiệu quả. Vắc-xin này sẽ giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện và tiêu hủy virus HPV trước khi virus xâm nhập vào cổ tử cung để gây bệnh. HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục. Do vậy, tiêm văcxin ngừa HPV có hiệu quả nhất khi bạn gái chưa quan hệ tình dục. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), độ tuổi tiêm vắc xin ngừa HPV hiệu quả nhất là từ 10 – 12 tuổi. Với những bạn gái từ 20 – 25 tuổi mà chưa kết hôn thì vẫn có thể tiêm ngừa, nhưng hiệu quả của vắc-xin sẽ giảm đi 1,5 lần. Với những phụ nữ trong độ tuổi tiêm phòng HPV hoặc trên độ tuổi tiêm phòng đã quan hệ tình dục thì các nghiên cứu cho thấy vắc-xin vẫn có tác dụng nhưng hiệu quả sẽ giảm.
Trước khi tiêm, chị em nên khám phụ khoa và làm xét nghiệm phết tế bào âm đạo. Tiêm ngừa HPV không đảm bảo 100% sẽ không mắc ung thư cổ tử cung nhưng đây là cách hiệu quả để phòng tránh. Sau khi tiêm xong vắc-xin, chị em vẫn nên đi khám phụ khoa định kỳ để tầm soát.
Ở Việt Nam hiện nay có 2 loại vắc xin tiêm ngừa ung thư cổ tử cung là Gardasil (ngừa 4 chủng HPV 16,18,6,11) và Cervarix (ngừa 2 chủng HPV 16,18). Lộ trình tiêm vắc xin HPV sẽ gồm 3 mũi, theo lịch 0-2-6, tức là mũi thứ 2 cách mũi đầu 2 tháng, mũi thứ 3 sau mũi đầu 6 tháng.
Từ khi được đưa về Việt Nam, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đã có những theo dõi, đánh giá về tính an toàn của vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung. Hiện chưa ghi nhận ca biến chứng nào nặng khi tiêm vắc-xin này, đa phần mọi người thường có các phản ứng nhẹ sau tiêm như sốt, sưng, đau tại chỗ tiêm, nổi mề đay, nhức đầu sau đó tự hồi phục.
Với các chị em đang mắc các bệnh cấp tính nặng; quá nhạy cảm với nấm men hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào trong vắc-xin; đang mang thai hoặc dự trù sẽ có thai trong vòng 6 tháng sắp tới thì
không nên tiêm HPV.
Minh Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.