Bức xúc khi thấy những dòng sông đổi màu từ trong xanh sang vàng sậm hoặc đỏ quạch màu vỏ trấu do các nhà máy xay xát thải ra, Vũ Thị Bách – sinh viên khoa môi trường và công nghệ sinh học ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM – đã bắt tay thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm vật liệu xây dựng”.
Tro trấu có thể thay thế một lượng ximăng cần thiết. (Ảnh mang tính minh họa: Internet)
Đề tài do thạc sĩ Vũ Hải Yến – giảng viên khoa môi trường và công nghệ sinh học ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM – hướng dẫn, đang tham gia giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka 2010 ở lĩnh vực môi trường.
Ý tưởng là thế nhưng thực hiện chẳng hề đơn giản. Bách lặn lội xuống Long An xin trấu và các loại phế phẩm như rơm rạ, bã mía, xơ dừa… trong cái nhìn ngạc nhiên của nhiều người. Bỏng tay, tàn phai chút ít “nhan sắc” là chuyện bình thường với cô sinh viên này khi làm việc thường xuyên trong phòng thí nghiệm nhiều hóa chất, nhiệt độ cao.
Thí nghiệm được thực hiện gồm bốn giai đoạn. Đầu tiên, mẫu được nhặt sạch tạp chất, sấy khô, đốt ở nhiệt độ 950oC để loại hết thành phần carbon chứa trong mẫu. Kế tiếp, kiểm tra hoạt tính của vật liệu có đạt tiêu chuẩn không. Sau đó, trộn mẫu với ximăng, cát, nước để tạo ra mẫu vữa xây dựng rồi kiểm tra xem mẫu này có độ bền như các loại vật liệu xây dựng thông thường.
Sau nhiều lần thử nghiệm, cả cô và trò rất vui với kết quả: tro trấu đã thay thế được 10% tổng trọng lượng ximăng cần thiết để đúc mẫu vữa xây dựng có khả năng dùng để trát tường và trần. Thạc sĩ Vũ Hải Yến kỳ vọng: “Phế phẩm nông nghiệp thay thế được 10% ximăng thì giá thành sản phẩm sẽ giảm 10%. Tôi mong các nhà máy sẽ quan tâm giải pháp này để góp phần cải thiện cuộc sống nông dân, bảo vệ môi trường”.
Theo Tuổi trẻ