Hãng Tecnologia Aeroespacial Mexicana (TAM), Mexico, vừa thiết kế một chiếc trực thăng nhỏ mang tên Libelula, mà các chuyên gia gọi là “Rocket Helicopter”.
Libelula trên bản phác thảo thiết kế |
Mọi chuyển động của cỗ máy này đều nhờ vào động cơ rốc-két được gắn ở phần thân phía đuôi. Các nhà thiết kế cho rằng, Libelula là phương tiện hoàn hảo nhất, tiện dụng nhất so với các thiết bị tương tự được sản xuất từ trước đến nay. Bởi Libelula không cần phần đuôi lớn, không cần hai động cơ để hỗ trợ xoay chuyển như thường thấy.
Hơn nữa, nếu như trực thăng truyền thống một chỗ ngồi rất nặng, thì Libelula gọn nhẹ, cơ động, có thể sử dụng bất cứ mặt bằng nào để hoạt động. Nó có thể nhanh chóng đưa con người lên bầu trời và đây chính là điều mà các chuyên gia quân sự đã mơ ước từ lâu: Tác chiến nhanh với lực lượng nhảy dù.
Thực ra, phát minh nêu trên không có gì là mới. Trong suốt thế kỷ 20, nhiều hãng cùng nhiều nhà khoa học không ít lần thiết kế, sản xuất các loại trực thăng cá nhân (một chỗ ngồi). Kỹ sư người Áo Paul Baumgartl là người đầu tiên nghĩ ra loại trực thăng – rốc-két.
Thiết kế Heliofly của Paul Baumgartl những năm 1941 – 1943 Các mẫu MEG của Evgheni Glukharev |
Thậm chí vào những năm 1941 – 1943, ông còn thiết kế ra vài mẫu trực thăng này dưới tên gọi chung là Heliofly. Tuy nhiên Heliofly không ứng dụng thành công khi nó khá nặng và vì động cơ xoay chong chóng không đủ mạnh.
Đến năm 1952, Evgheni Glukharev, người Mỹ gốc Nga sáng tạo chiếc trực thăng MEG-1X, lần đầu tiên sử dụng động cơ dạng rốc-két để đưa người lên bầu trời. Loại phương tiện này có tên gọi chung là Tip jet. MEG-1X nặng 104 kg, chỉ có một chong chóng (cánh quạt) và giữ thăng bằng nhờ một thanh ngang được gắn ở phía dưới cỗ máy.
Thùng nhiên liệu được gắn như chiếc ba lô ở lưng người bay. Động cơ của MEG-1X nặng 90 kg hoạt động theo chế độ khí nén, giúp phương tiện này di chuyển với vận tốc cao nhất là 90 km/giờ và trần bay là 1,5 km. Tuy nhiên thời gian hoạt động của MEG-1X chỉ kéo dài 18 phút. Sau này E.Glukharev chế tạo thêm MEG-2X, MEG-3X (năm 1960), tuy nhiên việc phổ biến loại trực thăng này đã không thành công.
Với TAM và người lãnh đạo của hãng này là Juan Manuel Lozano, từ năm 1975 họ đã nghiên cứu động cơ rốc-két và những kỹ thuật tương tự. Sau này Lozano kết hợp với hãng Sentry Technology Group – chuyên nghiên cứu các dự án sản xuất trực thăng không người lái loại nhỏ – và một số kỹ sư có kinh nghiệm khác thiết kế thành công các loại rốc-két có công suất lớn gấp 5 – 10 lần so với các loại trước đây. Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đây của các hãng khác, TAM không chỉ thiết kế chiếc trực thăng mà còn cả bộ đồ bay với đầy đủ trang thiết bị bảo hộ.
Tuy hiện chỉ đang nằm trên bản thiết kế, nhưng Lozano khẳng định Libelula sẽ là loại trực thăng gọn, nhẹ nhất từ trước đến nay. Bởi nó sẽ ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất. Loại trực thăng này không chỉ ứng dụng tốt trong lĩnh vực quân sự, mà còn trong việc cứu hộ. Hay đơn giản hơn, ở VN nó có thể là phương tiện phòng chống vấn nạn kẹt xe khá hữu hiệu tại các thành phố lớn!
Theo Hoàng Hoài Sơn (Membrana, Thanh Niên Online)