Trung Quốc sẵn sàng mở cửa trạm vũ trụ cho các phi hành gia nước ngoài, thậm chí đảm nhận cả công việc huấn luyện để phục vụ các nhiệm vụ trên không gian.
Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 18/9 trích dẫn lời phi hành gia Dương Lợi Vĩ, người Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ, cho biết: Nước này đã nhận được nhiều lời đề nghị như vậy trong quá trình xây dựng trạm vũ trụ mới, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Mô hình cấu tạo trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc. (Ảnh: Internet)
Ông Dương Lợi Vĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Trung Quốc, bày tỏ nước này muốn huấn luyện các phi hành gia cho các nước và các tổ chức có nhu cầu, thậm chí đáp ứng cả dịch vụ du lịch vũ trụ đối với người nước ngoài. Tuy không tiết lộ thông tin về các nước có nhu cầu, nhưng theo kênh truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng (Hong Kong), Trung Quốc tập trung hợp tác với các nước đang phát triển.
Chuyến bay lên vũ trụ của ông Dương hồi năm 2003 đưa Trung Quốc trở thành nước thứ 3 trên thế giới tự làm chủ công nghệ đưa người lên vũ trụ, sau Nga và Mỹ. Năm 2001, Trung Quốc đã phóng lên không gian trạm vũ trụ thử nghiệm Thiên Cung 1, từ đó đến nay đã hai lần đưa các tàu Thần Châu lắp ghép thành công với trạm này. Thiên Cung 1 dự kiến sẽ được thay thế bởi trạm Thiên Cung 2, rộng hơn, nặng khoảng 60 tấn, bằng 1/6 Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) do 16 nước hợp tác khai thác.
Trung Quốc bị cấm tham gia vào trạm ISS, chủ yếu là do phản đối từ phía Mỹ vì những khác biệt chính trị giữa hai nước và lo ngại chương trình vũ trụ của Bắc Kinh có liên quan chặt chẽ đến mục đích quân sự. Tuy vậy Trung Quốc vẫn tạo lập được quan hệ mật thiết với chương trình vũ trụ của Nga, hợp tác với Pháp và Đức trong các nghiên cứu khoa học thử nghiệm về du hành vũ trụ.
Theo Báo Tin Tức