Truyền thuyết kho báu: Mật mã Beale (Phần 3)

Truyền thuyết kho báu: Mật mã Beale (Phần 3)

Mật mã Beale bao gồm 3 bản mã nói về một kho báu chôn vàng bạc và nữ trang có giá trị khoảng 63 triệu USD. Cho đến nay, người ta đã giải được bản mã thứ 2 nói về giá trị của kho báu, nhưng 2 bản mã còn lại, một mô tả nơi cất giấu kho báu, một là danh sách thân nhân những người chủ kho báu, vẫn chưa giải mã được.

Chuyện 3 bản mã

Câu chuyện về 3 bản mã bắt nguồn từ cuốn sách “Các giấy tờ của Beale”, xuất bản năm 1885. Kho báu được cho do một người Hoa Kỳ tên Thomas Beale thu thập được trong 29 cuộc phiêu lưu của mình, chôn gần Montvale ở hạt Bedford, bang Virginia.

Trước khi xuất phát cuộc phiêu lưu khác, Beale đã ghi lại chi tiết về kho báu trong 3 bản mã, đặt chúng trong chiếc hộp sắt và giao cho một người tin cậy của ông năm 1822, ông chủ quán trọ Robert Morriss ở Lynchburg. Beale dặn Morriss không được mở chiếc hộp trong vòng 10 năm.

Beale cũng hứa sẽ nói người bạn ở St. Louis gửi thư cho Morriss để cung cấp chìa khóa giải mã, nhưng Morriss không bao giờ nhận được lá thư đó. Năm 1845, Morriss đã mở chiếc hộp nhưng hoàn toàn bó tay trước các bản mã. Vài chục năm sau, trước khi chết Morriss đã giao chiếc hộp có các bản mã cho một người bạn.

Ông này đã mất gần 20 năm mới giải được bản mã thứ 2, nói về chi tiết kho báu. Vì không thể giải các bản mã còn lại, nên năm 1885 ông quyết định công bố câu chuyện về 3 bản mã trong cuốn sách nhỏ “Những giấy tờ của Beale”.

Cuốn sách chứa nội dung 3 bản mã gốc và bản giải mã của bản mã thứ 2. Tác giả của cuốn sách là James B Ward. Truy tìm trong sổ sách về nhân khẩu ở địa phương vào thời đó, người ta chỉ phát hiện 1 người có tên Ward. Người này sở hữu căn nhà nơi bà Sarah Morriss, vợ của Robert Morriss, sau khi bà này chết năm 1865.

Theo giải thích trong cuốn sách, người bạn của Morriss đã dùng bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ để giải bản mã thứ 2, theo cách thức đối chiếu các con số trên bản mã với số thứ tự của từ trong bản tuyên ngôn, lấy chữ cái đầu của từ đó.

Điều đáng lưu ý là bản tuyên ngôn Beale dùng có một số khác biệt so với bản tuyên ngôn phổ biến hiện nay. Người ta vẫn không biết nhờ đâu người bạn này khám phá được bản tuyên ngôn Hoa Kỳ là chìa khóa cho bản mã thứ 2.

Sự thật hay trò đùa?

Nội dung bản mã thứ 2 có thể tóm lược như sau: “Tôi đã để kho báu cách Budford 4 dặm, trong một cái hố hay hầm sâu dưới lòng đất 6 feet, các điều sau đây, cùng thuộc sở hữu của những người có tên trong tờ giấy thứ 3 bao gồm: 1.024 pound vàng khối và 3.812 pound bạc được chôn vào tháng 11/1819.

Lần thứ hai vàng được giấu vào tháng 12/1818 bao gồm 1.907 pound vàng, 1.288 pound bạc, kèm theo châu báu quy đổi ra từ bạc ở St.Louis để luân chuyển cho an toàn trị giá 13.000USD. Tất cả của cải được để trong thùng sắt, nắp sắt. Hầm được lát đá, các thùng đựng đặt trên đá và đặt chồng lên nhau. Tờ giấy số 1 mô tả chính xác địa điểm kho tiền, do đó, sẽ không khó để tìm ra nó”.

Dựa theo bản mã thứ 2, người ta tính ra kho báu có 35.052oz vàng (trị giá khoảng 63 triệu USD tính theo giá tháng 9/2011), 61.200oz bạc (trị giá khoảng 1 triệu USD năm 2010) và nữ trang trị giá 13.000USD năm 1818, tức khoảng 180.000USD năm 2010. Toàn bộ kho báu cỡ 3 tấn.

Truyền thuyết kho báu: Mật mã Beale (Phần 3)
Bản mã thứ nhất, được tin ghi nơi cất giấu kho báu Beale.

Cho đến nay có nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề thật giả của 3 bản mã Beale. Cuối những năm 1960, nhà nghiên cứu Carl Hammer của Sperry UNIVAC đã dùng các thuật toán vi tính để phân tích các bản mã và kết luận chúng được mã hóa sơ sài. Sau đó, các nhà nghiên cứu mật mã cho rằng 2 bản mã còn lại (bản số 1 và 3) không phải là bản mã theo ký tự tiếng Anh.

Những người khác đặt câu hỏi tại sao Beale lại phức tạp hóa vấn đề bằng 3 bản mã khác nhau, đặc biệt với bản mã thứ 3 (những người được chia phần) vì người ta sẽ không có động cơ để giải bức mã đó. Phân tích cách hành văn của ngôn ngữ được sử dụng bởi tác giả của cuốn sách nhỏ và bản mã thứ 2, người ta cho rằng có thể do cùng 1 người viết. Bản mã thứ 3 cũng được cho là quá ngắn để có thể liệt kê danh sách 30 người thừa hưởng kho báu.

Theo cuốn sách, Robert Morriss nói ông là chủ khách sạn Washington năm 1820. Nhưng các chứng từ còn lưu lại cho thấy ít nhất đến năm 1823 ông mới mở khách sạn đó. Nhưng trong danh sách khách hàng của Sở Bưu điện St. Louis năm 1820, có khách hàng tên Thomas Beall. Trong khi đó, cuốn sách có ghi lại Beale đã gửi một lá thư từ St. Louis năm 1822.

Dù sao những nghi ngại không làm nản lòng nhiều kẻ săn kho báu. Lời đồn về kho báu được chôn cất ở hạt Bedford đã kích thích nhiều người thực hiện các chuyến thám hiểm hòng khám phá, tìm kiếm kho báu ở những địa điểm có khả năng.

Có tài liệu ghi về việc một người phụ nữ đã đào bới nghĩa trang của nhà thờ Mountain View vào tháng 2/1983 vì tin rằng Beale đã giấu kho báu ở đó. Vị trí nghĩa trang nằm ở đỉnh núi Porter, cách Tavern chính xác 4 dặm về phía Đông. Nhiều cuộc khai quật khác cũng đã được tiến hành tại đỉnh núi Porter. Một điểm khả nghi khác là mũi Otter, dù nơi đó cách Tavern hơn 4 dặm.

Truyền thuyết kho báu: Hồ Toplitz (Phần 1)Truyền thuyết kho báu: Căn phòng hổ phách (Phần 2)

 

Theo saigondautu