Tư nhân có quyền báo tin thời tiết

Chính phủ có chủ trương phá thế độc quyền phát tin dự báo thời tiết, thủy văn từ gần 10 năm, song đến nay, vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào được phép ngoài cơ quan duy nhất là Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương.

“Chỉ cần có giấy phép do Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp, các tổ chức, cá nhân đều được quyền phát báo chính thức các bản tin dự báo thời tiết, trừ trường hợp dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ” – Ông Nguyễn Trung Nhân – Vụ trưởng Vụ Khí tượng & Thủy văn (Bộ TN & MT) nói. Ông Nhân còn đọc danh mục cụ thể các thủ tục cần có với mẫu đơn, mẫu giấy phép.

Điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận phá thế độc quyền trong công tác dự báo thời tiết. Ông Nhân cho biết, có thêm đơn vị tham gia dự báo thời tiết sẽ làm thông tin dự báo chất lượng hơn. Song “Chúng tôi không nhận được bất kỳ lá đơn nào” – Ông Nhân quả quyết – “Chúng tôi gửi văn bản khắp mọi nơi. Đăng tải cả ở trên mạng”.

Ngóng người thân trở về sau bão Chanchu
(Ảnh: TTO, VNN)

Trong số các mạng dự báo thời tiết không chính thống, đáng chú ý có mô hình RAM của Khoa Khí tượng Thủy văn- Hải dương học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội có địa chỉ http://thoitietbien.com hay www.rams-vnu.org).

Cũng có thể kể đến website http://www.vnbaolut.com của TS Trần Tiễn Khanh, Việt kiều Mỹ, nơi thường xuyên cung cấp miễn phí các thông tin dự báo, trong đó tập trung vào dự báo, cảnh báo bão lụt ở Việt Nam.

“Họ không đăng ký, làm sao chúng tôi cấp phép được”-  Ông Nhân nói.

Có văn bản ấy à?

GS. TS Trần Tân Tiến, Chủ nhiệm Khoa Khí tượng Thủy văn & Hải dương học, tỏ ra ngạc nhiên khi biết có văn bản quy định các tổ chức, cá nhân được phép đăng ký phát báo chính thức các bản tin dự báo thời tiết.

“Chẳng biết các điều kiện cụ thể thế nào nhưng tôi nghĩ cũng khó” – GS Tiến băn khoăn – “Để có được những bản tin phát báo liên tục và tin cậy cao, phải có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như máy móc, hệ thống trạm quan trắc tốt. Liệu chúng tôi có được Nhà nước đầu tư hoặc cho phép tham gia khai thác hạ tầng của ngành khí tượng thủy văn”.

GS Tiến cho rằng, xã hội hóa công tác dự báo thời tiết là hướng đi đúng và cạnh tranh bao giờ cũng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, cụ thể là các bản tin dự báo.

Tại cuộc đấu thầu về cung cấp bản tin dự báo thời tiết cho ngành dầu khí ở Vũng Tàu vừa mới đây, phần thắng thuộc về một đơn vị phía Nam của ngành khí tượng thủy văn so với hai đối tác khác.

“Họ là chính thống, là bộ phận của tổ chức duy nhất được thừa nhận về pháp lý ở Việt Nam, việc họ thắng là điều dễ hiểu” – Đại diện một bên tham gia đấu thầu nói.

Khó khả thi

Có ý kiến cho rằng những điều kiện để được đăng ký phát tin dự báo thời tiết tuy cụ thể nhưng khó khả thi. Lượng hóa ba điều kiện gồm cơ cấu tổ chức, mạng lưới thông tin và nguồn nhân lực vẫn chưa có.

Ông Nhân nói ngành khí tượng thủy văn có tới 500 trạm quan trắc trên cả nước và sắp tới là 740 trạm. Ông muốn nói tổ chức, cá nhân muốn được cấp phép chí ít cũng phải có mạng lưới quan trắc “cạnh tranh” được với mạng lưới kia.

Được hỏi liệu mạng lưới hiện có có thể được chia sẻ và dùng chung cho các đối tác giống như hạ tầng viễn thông trong ngành bưu điện được không, ông Nhân cho biết chưa tính đến điều này.

Xem ra, hiện thực hóa chính sách kia còn cả một chặng dài, song không thể không làm. Không thể để tình trạng trang thông tin thời tiết http://thoitietbien.com, một trong những sản phẩm của đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước trị giá 2,5 tỷ đồng, lại chỉ là một trang web có tính tham khảo.

Bộ Khoa học & Công nghệ sau khi nghiệm thu sản phẩm vẫn chưa thấy tính chuyện bàn giao cho ngành khí tượng thủy văn để chính thức đưa vào sử dụng.

Những người tạo ra sản phẩm, vì tiếc nuối, tự bỏ tiền túi để nuôi dưỡng nó. Hôm nào mất điện lưới là gián đoạn luôn thông tin dự báo đưa lên mạng.

Các bản tin của họ, trên nền công nghệ hiện đại được mua bởi tiền của đề tài, có khả năng dự báo khá dài, tới hàng tuần, hàng tháng, về thời gian, và chi tiết tới từng xã, phường về không gian. Họ từng làm dự báo thời tiết thành công cho Sea Games 22, từng giúp Cty Bánh kẹo Kinh Đô dự báo hai tháng trời để sản xuất và bán bánh kẹo Trung thu trên từng địa bàn cụ thể…

Xã hội hóa công tác dự báo phải đi kèm chính sách cụ thể cùng với tăng cường đầu tư cho các cá nhân và tổ chức có nhu cầu, tạo sự bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin nền từ hàng trăm trạm quan trắc hiện có được xây dựng bằng ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Trung Nhân – Vụ trưởng Vụ Khí tượng & Thủy văn: Một số quốc gia có cho phép tư nhân bán tin thời tiết. Cá nhân tôi được biết đó là các nước Australia, Anh, Mỹ, New Zealand…

Điều gì sẽ xảy ra nếu bên cạnh bản tin dự báo của cơ quan Khí tượng Thủy văn Trung ương lại cũng có bản tin của tổ chức, cá nhân được phát? Dân sẽ tin ai, nhất là khi xảy ra thiên tai như bão, lũ?

Thực ra, sẽ không xảy ra tình trạng đó. Bản tin chính thức phát trên phương tiện thông tin đại chúng vẫn là của ngành khí tượng thủy văn. Tuy nhiên, bản tin của ngành khí tượng thủy văn lúc đó có thể là hội tụ của tổ chức, cá nhân được phép. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân khi được phép có quyền bán bản tin dự báo cấp vùng, khu vực cho một đối tác có nhu cầu cụ thể như cho ngành thăm dò dầu khí chẳng hạn…

QUỐC DŨNG

 

Theo Tiền phong, Tuổi trẻ