Tự tay trồng lựu: Đáng yêu và đáng ăn

Trồng lựu vui ở chỗ nó là loại cây hầu
như ai cũng tưởng là khó trồng lắm, không dễ như trồng rau. Nhưng thực
ra chỉ cần quan tâm tưới nước đầy đủ, có đủ ánh nắng, thi thoảng bón
chút phân hữu cơ là “chuyện đời cây lựu” sẽ diễn ra êm đẹp. Rồi khi cây
ra hoa và mọc ra những trái lựu đo đỏ, xinh xinh, người trồng sẽ thích
thú vì rất có thể cây sẽ… hút vận may đến cho mình. Theo phong thủy
phương Đông, lựu là một trong những loại cây được tin rằng sẽ mang lại
may mắn và tài lộc cho gia đình khi nở hoa, kết trái. Về mặt cảm quan, lựu cũng được xếp vào diện “mỹ nhân” các loài cây bởi chúng đẹp từ hình dáng đến màu sắc của cả hoa, lá, quả, cành và toàn thân.


3 loại cây lựu chúng ta thường thấy ở Việt Nam đó là loại có quả đỏ
(lựu đỏ), loại có quả trắng vàng (lựu trắng) và một loại ra hoa rất đẹp
nhưng quả nhỏ xíu, chỉ để làm cảnh. Nếu đang cầm trên tay một quả lựu,
hãy cứ thưởng thức nó thật ngon lành, nhưng dành hột lại để thực hiện
việc cho nó một “cuộc đời” mới nhé:

Bước 1: Tách bỏ phần hột với
phần hạt mọng nước, sau đó rửa cho sạch và để ráo. Cách tách bỏ thường
thấy là tự mình thưởng thức chúng trong miệng và nhằn phần hột, vừa tiện
vừa dễ thực hiện.

Bước 2: Đặt những hột lựu vừa để ráo lên một
tấm khăn giấy ẩm và cuộn lại (lưu ý mỗi một tấm giấy nhúng nước ẩm chỉ
nên khoảng từ 20 đến 30 hạt).

Bước 3: Cho những cuộn giấy ẩm có
chứa hạt giống vào trong những túi bóng và buộc chặt lại. Để chúng ra
nơi có ánh sáng và độ ẩm.

 
Sau khoảng 10 ngày chúng ta có thể
kiểm tra những túi hạt giống và xem chúng có nảy mầm hay không. Đây là
thời điểm thông thường chúng có dấu hiệu “vươn mình thức dậy”.

 
Bước
4:
Khi những hạt giống đã nảy mầm, lấy một cái khay hoặc chậu bé có sẵn
đất hữu cơ và phân tạo những lỗ nhỏ rồi đặt những hạt mầm đó xuống, lèn
đất phủ kín bề mặt. Sau đó đừng quên việc tưới nước lên nhé, giai đoạn
này cần luôn luôn giữ ẩm mặt đất để cho hạt mầm có thể phát triển một
cách tốt nhất.


Đặt những khay chứa hạt mầm dưới ánh sáng đèn sưởi hoặc để ra nơi cửa sổ giúp chúng quang hợp rồi lớn lên

 Những hạt mầm chồi lên sau 3 tuần gieo xuống đất ẩm


Sau một tháng cây mầm sẽ bắt đầu bung hai cánh mầm ra và hé ra chiếc lá đầu tiên

Sau 6 tuần cây bắt đầu phát triển đạt từ 8 đến 10 cm

Sau 3 tháng kể từ khi gieo hạt, cây sẽ đạt chiều cao khoảng 15 đến 20 cm

Cây lớn lên đòi hỏi phải được chuyển sang chậu lớn hơn

Tháng
thứ 4 là thời điểm cây sẽ đủ tiêu chuẩn để bạn dù muốn hay không cũng
nên cho chúng sống ở một nơi rộng rãi hơn như chậu lớn hay ra hẳn ngoài
vườn. Lúc này ta sẽ có 2 sự lựa chọn cho bạn quyết định: cây sẽ mãi bé
xinh đáng yêu hay là lớn “phổng phao” mọc sum suê trái lớn đáng ăn.

– Chọn phương án “đáng yêu”:

Với
những người thích trồng những cây lựu xinh xinh để bày chơi trong nhà,
trong văn phòng với ý nghĩa phong thủy thì chú ý nên chọn loại chậu phù
hợp. Thông thường loại chậu được chọn sẽ không lớn hơn hoặc nhỏ hơn 1/3
tán cây. Bạn cũng có thể cắt tỉa, tạo dáng đẹp cho cây theo sở thích của
mình, loại bỏ những cành khó có khả năng ra trái (thường là cành mọc
thẳng gần gốc lá). Tưới nước cho cây 2 lần/ngày vào buổi sáng sớm và
chiều tối, khoảng 1 lần/tháng bón cho cây một ít phân bón hữu cơ. Bị hạn
chế về khoảng đất trồng trong chậu nên cây sẽ ra quả nhỏ, chỉ để ngắm
chứ ăn sẽ không được ngon. 


Những cây lựu nhỏ xinh, trĩu quả được phong thủy cho rằng sẽ mang may mắn cho gia đình bạn

– Chọn phương án “đáng ăn”:

Với
những người muốn trồng lựu để lấy trái ăn thì tốt nhất trồng
cây con xuống đất vườn ngay sau khi cây đạt chiều cao khoảng 30 – 40
cm. Cây nên trồng ở nơi có nhiều nắng, thoát nước tốt. Cứ nửa tháng lại
bón cho cây bằng phân hữu cơ nhưng hạn chế bón phân đạm vì cành, lá sẽ
dài “miên man” nhưng khó ra hoa, quả.


Một cây lựu trồng trong vườn thành công

Để
cây có khả năng thu hoạch cao, bắt buộc bạn phải ra tay cắt tỉa những
nhánh yếu, chừa những nhánh khỏe mạnh để cây tập trung phát triển vào
những nhánh đó. Cây thường ra hoa khoảng từ tháng 5 – 7, cho thu hoạch
sau khoảng 2 tháng. Đến kỳ ra hoa, cần áp dụng biện pháp thúc chồi bằng
cách tỉa cành hoặc vặt bỏ chồi ngọn.

Cây
lựu hay bị rầy bông trắng xâm hại, bạn có thể dùng tay tự vuốt sạch rầy
bông mà không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật. Đôi khi lựu cũng bị sâu
nhưng ít. Vì là cây ăn trái trồng ở nhà nên bạn không nên dùng các loại
thuốc trừ sâu (dù là với liều lượng nhẹ) để đảm bảo an toàn thực phẩm
cho chính gia đình mình.

Bài: Beng Beng
Ảnh: Treeman, Greenhead 
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.