Cầy mực, ong mật châu Phi… là những loài động vật có khả năng tỏa hương ngọt ngào khó cưỡng…
Bên cạnh những loài động vật có hình thù kì dị hay khoác trên mình tấm áo sặc sỡ, Mẹ Thiên nhiên còn tạo ra nhiều loài vật có mùi hương ngọt ngào. Nhiều người miêu tả rằng, mùi hương đó ngọt như món kẹo khoái khẩu, khiến mũi bạn khó lòng có thể phân biệt sự khác biệt.
1. Cầy mực tỏa hương mùi bắp rang bơ
Cầy mực hay chồn mực là động vật ăn thịt thuộc họ cầy. Môi trường sống của chúng là các khu rừng mưa ở Nam Á và Đông Nam Á. Chúng là loài thú ăn đêm và ngủ trên các cành cây.
Cầy mực nổi tiếng không phải vì kích thước hay dáng vẻ của nó, mà là bởi một mùi hương đặc biệt – mùi thơm lừng của món bắp rang bơ mà bạn có thể ngửi thấy khi bước vào rạp chiếu phim.
Tuy nhiên, bạn chỉ có thể ngửi thấy mùi hương này trong phạm vi chỗ ở của chúng mà thôi. Bởi theo các chuyên gia, bộ phận “tỏa hương” của cầy mực bắt nguồn từ tuyến hậu môn.
Giống mèo nhà, cầy mực có tính lãnh thổ cao và luôn dùng mùi cơ thể của mình để đánh dấu phần đất của nó. Trong khi mèo nhà sẽ chà sát, rúc mình để lưu lại mùi thì cầy mực lại đánh dấu địa phận lãnh thổ bằng cách lết cái mông của mình lên tất cả các đồ vật và mặt phẳng mà nó tìm thấy.
2. Kiến vàng Lasius Interjectus có mùi kẹo chanh
Quần thể kiến vàng Lasius Interjectus này sống chủ yếu dưới lòng đất và làm tổ dưới các tảng đá hay gò đất nhỏ.
Không chỉ phát ra mùi chanh mà trông chúng cũng giống như những viên kẹo chanh có màu vàng trong suốt. Khi cộng đồng của kiến vàng bị phá rối, chúng sẽ tiết ra một hóa chất phòng vệ có mùi rất giống mùi chanh, vì thế có vài người gọi chúng là kiến sả.
3. Cóc chân thuổng tỏa mùi bơ đậu phộng
Loài cóc độc đáo này có tên khoa học là Spea Multiplicata, được tìm thấy trong vùng Tây Nam Hoa Kì và Mexico. Chúng có cấu tạo hình dáng hai chân sau giống một cái xẻng (thuổng) để có thể dễ dàng đào đất.
Chúng dành phần lớn thời gian của mình chôn vùi trong bùn và chỉ xuất hiện trong thời kì khô hạn để ăn côn trùng và sinh sản mà thôi. Qua nghiên cứu, các chuyên gia đã phát hiện ra loài cóc này có thể phát ra mùi hương giống như mùi bơ đâu phộng.
Nhưng bạn cần lưu ý rằng, mùi hương phát ra phần da trên lưng của loài cóc này có thể khiến bạn cay mắt và hắt xì nếu bạn dí sát mặt vào cơ thể chúng.
4. Ong mật châu Phi có mùi chuối
Hệ thống liên lạc và giao tiếp của loài ong và vô cùng phức tạp. Khi một con ong kiếm ăn cảm thấy bị đe dọa, nó sẽ gửi hương thơm của sự sợ hãi đến tổ ong. Các con ong khác khi nhận được tín hiệu hóa học đó sẽ truyền tiếp tin nhắn cảnh báo đến đồng loại của mình.
Ong mật châu Phi nhạy cảm hơn với các tín hiệu hóa học này hơn người anh em họ của chúng ở châu Âu và đồng thời cũng tiết ra “mùi hương” nhiều hơn. Điều đó có nghĩa là càng hoảng sợ, các chú ong sẽ tỏa hương “mùi chuối” nhiều hơn và sẽ tấn công kẻ thù ác liệt hơn.
5. Chim Auklet tỏa hương mùi quýt
Chim Auklet là một loài chim biển nhỏ, sinh sống trên toàn miền Bắc Thái Bình Dương. Chúng kiếm ăn bằng cách lặn trong vùng nước sâu, ăn nhuyễn thể và các loài động vật biển nhỏ. Chúng được biết đến với một chiếc mào trên đỉnh trán và tỏa một mùi hương trái cây họ cam quýt nổi bật.
Nhà sinh vật học hoang dã Julie Hagelin từng nhận xét về mùi hương này rằng: “Nó giống như có ai đó đang bóc một trái quýt bên cạnh bạn vậy”. Theo nhà sinh vật học, khác với các loài chim biển thường sử dụng tinh dầu để ướp lên bộ lông (giống như con người dùng nước hoa) để thu hút bạn tình thì chim Auklet lại biết truyền tín hiệu bằng mùi hương.
6. Rết Apheloria Virginiensis có mùi cherry cola
Đây là một loài rết khổng lổ ở Bắc Mỹ, có chiều dài lên tới hơn 38cm, thân đen với các vằn cam, vàng nổi bật. Khi loài khổng lồ nhiều chân này bị đe dọa, nó sẽ tiết ra hợp chất xyanua để phòng vệ và có thể bắn xa đến nửa mét. Chất lỏng này có mùi hương ngọt ngào như hương cherry cola, nhưng lại vô cùng độc hại vì khi tiếp xúc với mắt có thể gây mù.
7. Hải ly tỏa mùi vanilla Pháp
Hải ly thuộc loài gặm nhấm và có thói quen đánh dấu lãnh thổ của mình bằng cách gắn kết mùi hương từ bùn, các mảnh vụn cùng dịch tiết từ túi thầu dầu và nước tiểu.
Các chuyên gia phát hiện ra rằng, ở hải ly đực và cái đều có một cặp túi thầu dầu và một cặp tuyến hậu môn nằm ở 2 khoang dưới da giữa xương chậu và gốc đuôi. Các túi thầu dầu này tiết ra dịch có mùi hương vanilla. Ngày nay, nó được sử dụng như một loại cồn trong nước hoa và như một chất phụ gia thực phẩm.
Theo Trí Thức Trẻ