Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả cho trẻ. Tuy nhiên, điều khiến các bậc phụ huynh lo ngại là nguy cơ trẻ có thể tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm chủng vẫn có thể xảy ra.
“Bất kỳ loại nào cũng có thể sốc phản vệ”
Mới đây, trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau tiêm thuốc kháng sinh của bé trai Nguyễn Minh Vương (2 tuổi) tại bệnh biện Đa khoa Kỳ Anh, Hà Tĩnh lại trở thành “sự cố y khoa” dù trước đó bé vẫn khỏe mạnh bình thường. Theo đó, sau khi thăm khám và tiêm một liều thuốc, bé bất ngờ bị co giật, tím tái và tử vong. Trên thực tế, các trường hợp sốc phản vệ thường xảy ra ngay sau khi tiêm vài chục phút, thậm chí ngay khi mũi tiêm chưa kịp rút ra.
Bác sĩ Lê Thị Loan, phòng vắc xin bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Sốc phản vệ là tai biến dị ứng cấp tính dễ gây tử vong ở trẻ nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Biểu hiện lâm sàng khi trẻ bị sốc phản vệ là tím tái, khó thở, tụt huyết áp… do kháng thể dị ứng lgE trong máu tăng cao. Trong trường hợp tiêm phòng vắc xin cho trẻ, sốc phản vệ được coi là một tai biến kinh hoàng với tỉ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, ngoài vắc xin tiêm chủng, nhiều loại thuốc khác có thể gây sốc phản vệ như kháng sinh, huyết thanh, thuốc chống viêm không steroid…”.
“Bất cứ trường hợp nào sau khi tiêm chủng cũng có khả năng bị sốc phản vệ kể cả vắc xin hay kháng sinh. Nhưng dễ xảy ra ở những trường hợp trẻ có cơ địa dễ dị ứng, tiền sử dị ứng với thuốc, vắc xin, huyết thanh hay dị ứng thức ăn và thời tiết. Với trẻ sơ sinh, nguy cơ sốc phản vệ sẽ cao hơn nếu bố mẹ có tiền sử dị ứng, đặc biệt là người mẹ. Do lúc này cơ thể trẻ chưa sản sinh được IgE mà phải nhận từ mẹ và dễ bị sốc khi gặp thuốc dị ứng”, bác sĩ Loan cho hay.
Cũng theo bác sĩ Loan, sốc phản vệ khó tiên lượng trước nên để đối phó với nó thì chỉ có thể dùng thuốc cẩn trọng hoặc chuẩn bị sẵn các biện pháp, phương tiện cấp cứu. Việc thử phản ứng dị ứng trước khi tiêm thuốc chỉ được thực hiện ở một số kháng sinh như vắc xin huyết thanh kháng uốn ván. Cũng có một số trường hợp tiêm kháng sinh dù đã được kiểm tra âm tính nhưng vẫn có thể bị sốc phản vệ. Vì thế, không thể dự báo trước được trường hợp nào là bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin hoặc kháng sinh. Đây là một việc bất khả thi bởi mỗi trẻ đều tiêm hàng chục loại và không thể thử hết.
Bác sĩ Lê Thị Loan, phòng vắc xin bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang thăm khám cho một em nhỏ.
Đảm bảo quy trình khám sàng lọc, cách tiêm và liều lượng thuốc cho trẻ sẽ hạn chế được những rủi ro gây sốc phản vệ cho trẻ khi đi tiêm chủng.
Tuyệt đối không tiêm vắc xin khi trẻ bị sốt
Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, việc “điều tra” sức khỏe của trẻ sẽ luôn được các bác sĩ yêu cầu các bậc phu huynh phải nói rõ. Tuy nhiên, để tránh lúng túng khi bác sĩ hỏi về những mũi tiêm trước của trẻ, loại thuốc trẻ đã uống… các bậc cha mẹ cần kiểm tra thông tin sức khỏe của bé như: Trong những ngày gần đây bé có sốt hay không? Bé có đang bị bệnh hay không?
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo rằng, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm, đặc biệt là những mũi tiêm chủng thì cần tuân thủ những nguyên tắc sau: Cho trẻ tiêm đúng lịch; không tiêm cho trẻ nếu bị sốt do nhiều nguyên nhân như (mọc răng, viêm họng…) hay đang mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính nặng. Trường hợp trẻ từng bị sốc phản vệ với vắc xin hay kháng sinh cụ thể nào đó thì tuyệt đối sau này không được tiêm loại này nữa. Nhưng nếu sốc phản bệ với loại vắc xin này thì vẫn có thể tiêm vắc xin phòng bệnh khác.
“Khai báo tiền sử bệnh tật và dị ứng trước khi tiêm chủng là điều cần thiết cho trẻ mà các bậc phụ huynh cần nhớ. Với trường hợp tiêm chủng cho trẻ sơ sinh (như viêm gan B), cần nắm rõ tiền sử dị ứng của bố mẹ, nếu từng bị dị ứng thì nên hoãn tiêm hoặc làm test thử cho trẻ. Các bậc cha mẹ cần mang theo đầy đủ sổ tiêm chủng và phiếu tiêm chủng để giúp hỗ trợ bác sĩ tham vấn lựa chọn phương án tiêm chủng tối ưu cho trẻ khi tiêm nhắc, tiêm bù, hay tiêm thêm những mũi còn thiếu.
Tại bệnh viện Nhiệt đới, rất thuận tiện cho trẻ khi gần ngay trung tâm dị ứng của bệnh viện Bạch Mai – nếu các bác sĩ cảm thấy nghi ngờ trẻ có dấu hiệu dị ứng với thuốc để gửi sang test thử”, bác sĩ Loan cho hay.
Sau khi trẻ được tiêm vắc xin, các bậc cha mẹ cần theo dõi để biết chắc chắn tình trạng của bé. Thông thường là trong vòng 30 phút đầu để kiểm tra xem trẻ có những biểu hiện bất thường nào không và thông báo kịp thời cho bác sĩ nếu có.
Tuyệt đối không cho trẻ tiêm vắc xin khi đang trong tình trạng sốt, cảm cúm, đặc biệt là khi trẻ bị nhiễm trùng cấp tính. Trường hợp này, cần hoãn tiêm để ổn định sức khỏe của trẻ trước cho đến hoàn toàn khỏe mạnh rồi mới đưa trẻ đi tiêm.
Về nhà, bậc phụ huynh nên tiếp tục theo dõi con và đến ngay bệnh viện, sở y tế nếu bé có bất kỳ dấu hiệu bất thường như: Sốt cao ≥ 38,5 độ C, nổi ban, co giật, tím tái, các triệu chứng quấy khóc kéo dài hơn 24 giờ.
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.