Các nhà khoa học cảnh báo, việc người dân tại Ulan Bato sưởi ấm bằng than và những vật liệu có hại khác trong mùa đông đang gây ra những vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng cho thủ đô của Mông Cổ.
Một nửa số dân ở Mông Cổ sống ở Ulan Bato. Thế nhưng, rất nhiều hộ gia đình, đặc biệt là những hộ nghèo ở quận Ger, không có hệ thống sưởi. Họ phải nhờ vào những bếp than để vượt qua mùa đông khắc nghiệt, khi nhiệt độ xuống tới âm 30 độ C vào ban đêm.
Nhưng bếp than không phải là nhân tố duy nhất ảnh hưởng tới chất lượng không khí. Một số cư dân thậm chí không mua nổi than và phải đốt bất cứ thứ gì họ tìm được: từ lốp ô tô, giày cũ, cho tới cao su, để cung cấp hơi ấm cho nhà và nấu ăn.
Theo số liệu nghiên cứu từ 4 trạm quan sát chất lượng không khí của Ulan Bato, mức khí gây ô nhiễm đang ngày càng tăng lên.
Ông Nyamdavaa Shagdar, kĩ sư ở Trạm nghiên cứu chất lượng không khí, cho biết: “Theo kết quả giám sát chất lượng không khí trong 29 ngày qua, thì có tới 26 ngày ô nhiễm hoặc mức độ ô nhiễm cao hơn mức có thể chấp nhận. Điều này đã gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người”.
Hiện, Bộ Môi trường Mông Cổ đã bắt đầu triển khai các chính sách để khắc phục tình trạng này. Ông Banzgragch, phụ trách ban Tài nguyên và Môi trường, Bộ Môi trường cho biết: “Chúng tôi cần phải ngăn chặn tình trạng di cư ồ ạt tới Ulan Bato ngay lập tức. Chúng tôi sẽ đề nghị tuyên bố Ulan Bato là khu vực thảm hoạ trong 2-3 năm. Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, chúng tôi có thể ngăn chặn tình trạng di cư ồ ạt, và thu hút đầu tư tài trợ để giải quyết tình trạng ô nhiễm”.
Theo báo cáo mới đây về biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc, các hành vi của con người là nguyên chính gây nên tình trạng nóng lên toàn cầu. 85% sản phẩm năng lượng của Trung Quốc là từ than đá. Và lượng tiêu thụ than đá của Mông cổ thậm chí lại còn cao hơn thế.
Thanh Thuỷ
Theo VTV