Chiều ngày 8/3, PV có mặt tại Trung tâm y tế quận Ba Đình để đề nghị được trung tâm và các cơ quan liên quan trợ giúp cho trường hợp của chị Tạ Thị Thu Trang (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) người bị nhầm mẹ 40 năm về trước đang gây xôn xao dư luận.
Điện thoại còn có nguồn gốc, chẳng lẽ người không có sao?
Câu chuyện bắt đầu từ hơn 40 năm về trước. Ngày đó, cả nước chào mừng ngày 20 năm giải phóng thủ đô 10/10/1954 – 10/10/1974, thì cũng là lúc chị Trang được mọi người chào đời trong sự chờ đón và niềm vui của gia đình.
Chị được nhân viên nhà hộ sinh đánh số 32, theo số của mẹ mình. Nhưng trớ trêu thay, trong lúc nhân viên và sản phụ bàn giao trẻ sơ sinh, chị được người mẹ mang số 33 bế nhận.
Thấy có gì đó không bình thường, gia đình sản phụ số 33 thắc mắc hỏi lại thì được nữ hộ sinh trả lời rằng: Do trong lúc tắm số bị mờ, chứ giao đúng số rồi. Khi đó, các sản phụ khác cùng sinh con cũng đã đi về hết, nghĩ rằng nếu có nhầm thì người ta cũng đã thắc mắc với nhà hộ sinh.
Sản phụ mang số 33 đó là bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi, trú tại phố Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội). Người mà sau này là mẹ chị Trang.
Thời gian cứ thế trôi đi, chị Trang ngày một lớn dần nhưng lại tỏ ra khác xa với chị em trong nhà. Tướng mạo chị lệch hẳn khi đứng cạnh những thành viên trong gia đình. Điều này, ngay cả người ngoài cũng dễ dàng nhận thấy.
Lời dị nghị về Trang ngày một nhiều, còn nguyên nhân thực sự thì chỉ mình gia đình bà Hạnh là biết rõ nhất. Nhưng không một ai trong nhà muốn nói ra vì sợ chị tổn thương.
Không thể giấu mãi câu chuyện, cái ngày bà Hạnh thú thực rằng chị Trang không phải con đẻ của mình khiến chị khóc ngất. Chị không tin vào những điều mình vừa nghe, trước đó hàng xóm đàm tiếu rồi bố mẹ bóng gió chuyện nhận nhầm con, chị tưởng đó chỉ là câu chuyện đùa.
Bao năm sống trong tình thương yêu của bố mẹ và chị em trong gia đình, bỗng một ngày nhận ra mình không cùng máu mủ, lòng chị đau như sát muối.
Song, nhờ tình cảm mà mọi người trong nhà dành cho, chị mới có thể tiếp tục đối mặt sự thật để vui vẻ như trước.
Tuy nhiên mỗi lần nhắc lại, chị lại nước mắt ngắn nước mắt dài: “Điện thoại còn có nguồn gốc, chẳng lẽ con người không có sao”.
Mong mỏi tìm được mẹ và người chị em thất lạc
Nay, sự việc cũng đã trải qua hơn 40 năm, sản phụ Hạnh ngày nào đã lên chức bà, còn chị Trang cũng đã có gia đình riêng với chồng và 3 người con. Ngày trước, cả nhà sợ chị Trang tủi thân, nên khi phát hiện thấy chị không giống với chị em trong nhà, bà Hạnh kiên quyết không đi xét nghiệm ADN.
Nhưng hiện giờ, bà Hạnh đã ở cái tuổi “thất thập”, sự nhầm lẫn ngày nào cũng đã được bù đắp bằng tình yêu thương từ những người thân trong gia đình với chị Trang. Vì thế, mọi người đều có mong muốn tìm lại người mẹ ruột của chị cùng người chị em bị trao nhầm 40 năm trước.
Chị Trang xúc động: “Chưa bao giờ tôi coi các anh chị và bố mẹ hiện giờ không phải là ruột thịt. Tôi may mắn vì nhầm vào nhà bố mẹ, được làm em chị Vân… được mọi người thương yêu đùm bọc, nuôi nấng. Nếu có kiếp sau tôi vẫn xin được làm con của mẹ”.
Đã có lần, bà Hạnh lặng lẽ đến nhà hộ sinh với hy vọng hỏi được thông tin về những sản phụ từng sinh cùng ngày đó để tìm lại đứa con thất lạc. Nhưng việc tìm kiếm như mò kim đáy bể sự việc đã xảy ra quá lâu rồi, nhiều giấy tờ, hồ sơ bị thất lạc không tìm thấy.
Bất lực, gia đình bà lên mạng xã hội Facebook đăng tin với hy vọng cư dân mạng sẽ chia sẻ thông tin. May chăng, gia đình bị nhầm lẫn đọc được sẽ liên hệ với bà.
Trong ngày 8/3, bà Hạnh và chị Trang không mong ước gì hơn ngoài việc sẽ tìm thấy mẹ đẻ chị và người chị em.
Dù cuộc sống và gia đình hiện tại chị Trang đã quá viên mãn và hạnh phúc, nhưng như chị nói: “Đến cái điện thoại còn có nguồn gốc, tôi cũng vậy, cũng muốn biết nguồn gốc thực sự của mình”.
Nguồn: Theo VTC
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.