Uống nước mía là thói quen của nhiều người trong mùa hè. Đây là loại nước có tác dụng giải khát cực kỳ hữu hiệu, cho nên ở bất cứ con đường nào cũng không khó tìm được quán nước mía. Bên cạnh những công dụng hữu ích của nước mía với sức khỏe, vẫn có những yếu tố gây ảnh hưởng đến cơ thể bạn khi uống loại nước này.
Theo Đông Y, nước mía có tính mát, thanh nhiệt, nhuận tràng, vị ngọt. Thậm chí, nước mía còn có tác dụng trong chữa ho khan, mất dịch vị, miệng khô khát, nôn ọe nhiều, mệt mỏi.
Chị Ngọc Huyền (Trần Đăng Ninh, Hà Nội) vừa phải truyền dịch mấy ngày trời vì nguyên nhân có thể do nước mía. Bản thân chị không mắc chứng bệnh gì ảnh hưởng đến việc hấp thụ nước mía. Tuy nhiên, do quá trình chế biến nước mía không đảm bảo an toàn nên chị bị ngộ độc. Trên đường đi làm về, dưới thời tiết nắng nóng, chị ghé vào bên đường mua nước mía. Quầy nước mía không bẩn lắm nhưng vẫn có ruồi nhặng bâu rất nhiều trên ca hứng nước mía và mía được xếp sẵn mà không có dụng cụ nào che đậy.
“Sau khi uống khoảng 1 tiếng, người tôi cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, chóng mắt. Ban đầu chỉ nghĩ là do say nắng hoặc làm việc quá mệt mỏi, stress. Nhưng mức độ đau, nhức đầu tăng dần, sau đó còn có cả triệu chứng buồn nôn, nôn và tiêu chảy nặng. Tôi cảm thấy người như bị sút vài kg, truyền nước 2 ngày mới khỏi. Chắc chắn do nước mía bị nhiễm bẩn nên tôi mới bị ngộ độc như vậy”.
Còn ông Tiến Bình (Hà Đông, Hà Nội) bị tiểu đường đã 5 năm nay. Ông vẫn có thói quen uống nước mía nhiều lần 1 tuần vào mùa hè. Bởi đây cũng là sở thích và giúp giải khát nhanh chóng. Tuy nhiên, do uống nước mía quá nhiều nên lượng đường huyết ngày càng tăng cao, vượt nhiều lần ngưỡng cho phép. Nguyên nhân do lượng đường trong nước mía chuyển hóa vào máu làm ảnh hưởng đến người tiểu đường.
“Tôi đã phải giảm bớt số lần uống nước mía, 1 tuần chỉ uống 1-2 lần. Nước mía ngon nhưng với những người như tôi không nên uống nhiều. Bởi vì, khi uống nhiều nước mía như vậy, tôi bị tăng đường huyết từ 7 lên 12 trong máu khiến người mệt mỏi, ăn kém, sút cân, do tiểu nhiều hơn“, ông Bình nói.
Uống nước mía nên chú ý gì?
Hiện nay, vấn đề đáng lo ngại với người tiêu dùng là quy trình chế biến nước mía. Bởi đa số các quán nước mía nằm ở vỉa hè. Khu vực chế biến chật chội, dụng cụ chứa nước thiếu, nguồn nước sạch ít vì chỉ có vài ba xô nước người bán đưa đi kèm. Cho nên, nguy cơ nhiễm khuẩn khi chế biến rất cao. Thậm chí, do đặc tính nước mía chứa nhiều đường nên hút nhiều ruồi, nhặng lờn vờn xung quanh. Những con vật này nếu đậu vào ca, cốc, thậm chí mía chưa chế biến cũng sẽ để lại vi khuẩn gây ảnh hưởng hệ tiêu hóa khi uống.
Thêm vào đó, nguồn đá được cho vào cốc nước mía làm tăng vị mát cũng khó kiểm soát về chất lượng. Nếu quy trình sản xuất đá được đảm bảo không mấy lo ngại. Nhưng nếu quá trình sản xuất đá bẩn, mất vệ sinh, khi uống kèm nước mía rất dễ bị ngộ độc, đau bụng, tiêu chảy.
Bản chất nước mía là thức uống lành nhưng trong nước mía chứa lượng đường tự nhiên đáng kể. Khi chứa lượng đường này, nước mía vào cơ thể sẽ đưa lượng đường vào máu. Như đã nói ở trên, với người tiểu đường, khi lượng đường trong máu tăng cao. Cho nên, nước mía cần chú ý khi uống với người bị tiểu đường, người béo phì.
Mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, hay đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiểu đường không nên uống nước mía. Bởi tính lạnh sẽ làm cho cơ thể thêm lạnh, mệt mỏi.
Vì vậy khi uống nước mía cần chú ý tới sức khỏe, thể trạng. Không nên uống liên tục ngày này qua ngày khác. Khi mua nước mía chọn nơi sạch sẽ, chế biến đảm bảo vệ sinh, máy ép không ố bẩn. Không uống nước mía chế biến bẩn, mất vệ sinh, có ruồi nhặng bâu ở mía đã làm sẵn.
Đông Ngân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.