Từ một trường hợp dị ứng rượu mật gấu
Hiện nay, với nhiều người, mật gấu được cho là một thứ thuốc bổ có thể giúp nâng cao sức khỏe và chữa trị bách bệnh. Từ quan niệm sai lầm này cộng với việc mật gấu nuôi được bán tràn lan trên thị trường, không ít người đã có thói quen uống rượu pha với mật gấu hàng ngày để bồi bổ sức khỏe. Lợi ích chưa thấy đâu, nhưng nhiều trường hợp phải mang bệnh vào người. Trường hợp ông V.V. Kim, 72 tuổi (Hải Phòng) là một ví dụ.
Ông Kim được gia đình đưa đến khám và điều trị tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) do bị nổi ban đỏ ngứa toàn thân, bong tróc da nhiều đợt từ 6 tháng nay, kèm theo biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, trướng bụng. Ông cho biết, cách đây 8 tháng, theo lời mách bảo của người quen, ông bắt đầu uống rượu pha mật gấu hàng ngày vào trước 2 bữa ăn để bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng, ông bắt đầu thấy ngứa và nổi ban dát toàn thân. Mặc dù đã điều trị nhiều lần ở các bệnh viện tuyến dưới nhưng bệnh của ông thuyên giảm không đáng kể. Hai tháng gần đây, ông thấy người mệt mỏi, chán ăn, bụng trướng to. Tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng, ông được các bác sĩ chẩn đoán bị bệnh đỏ da toàn thân có kèm theo xơ gan nghi do rượu pha mật gấu. Sau 3 tuần điều trị, bệnh tình của ông đã thuyên giảm đáng kể và được xuất viện, tuy nhiên, ông vẫn phải tiếp tục điều trị lâu dài tại nhà.
BS. Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trường hợp của ông Kim chỉ là một trong số những trường hợp bị các tai biến dị ứng và nhiễm độc do uống rượu pha mật gấu được điều trị tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng trong thời gian gần đây.
Phải dùng đúng chỉ định
Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện 108), mật gấu là một trong những vị thuốc rất quý của y học cổ truyền, có tính lạnh, vị đắng, công dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ kích (chống co giật) và minh mục (làm sáng mắt). Nhưng mật gấu là thuốc “bệnh” chứ không phải là thuốc “bổ” theo quan niệm đông y. Mật gấu thường được dùng để chữa các chứng bệnh có liên quan đến chứng bệnh về gan, sốt cao, co giật, chấn thương, bầm giập, bong gân, gãy xương… Các nghiên cứu của dược lý học hiện đại, đặc biệt là các nghiên cứu của Trung Quốc đã chứng minh: mật gấu có tác dụng chống co giật, giải độc, bảo hộ tế bào gan, trấn tĩnh, giảm ho, tăng cường vận động của các cơ trơn đường tiêu hóa, giảm nhiệt, chống viêm, giảm đau, lợi mật, phòng chống sỏi mật, tăng cường chức năng tiêu hóa, hạ huyết áp, giảm đường huyết, chống ngưng tập tiểu cầu, kháng khuẩn và ức chế tế bào ung thư.
Rượu mật gấu bôi ngoài da có tác dụng giảm đau, tan vết bầm rất tốt. Tuy nhiên, khi sử dụng đường uống cần hết sức thận trọng vì có thể gây nhiều tai biến cho người sử dụng. Các chuyên gia nghiên cứu về mật gấu cho biết, mật gấu ngựa có chứa nhiều axit ursodeoxycholic là một chất có tác dụng điều trị xơ gan. Trong khi đó, mật gấu chó chứa chủ yếu là chất axit chenodeoxycholic. Chất này ngược lại với axit ursodeoxycholic, có thể gây ra viêm gan và xơ gan nếu uống kéo dài. Như vậy, việc uống mật gấu chó cho dù là loại đảm bảo chất lượng cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm gan và xơ gan, lợi bất cập hại. Ngoài ra, giống như các loại mật động vật khác, mật gấu cũng có chứa các loại độc tố và nhiều thành phần xa lạ với cơ thể con người, từ đó có thể gây các phản ứng dị ứng hoặc nhiễm độc cho người sử dụng. Không những thế, các loại mật gấu nuôi có bán trên thị trường hiện nay thường không đảm bảo chất lượng điều trị, không tinh khiết do bị nhiễm khuẩn và nhiễm bẩn.
Bên cạnh đó, gần đây vì lợi nhuận, nhiều gian thương đã sử dụng mật gấu không đảm bảo chất lượng do nuôi trong điều kiện nhân tạo hoặc sử dụng mật của các động vật khác để thay thế: mật lợn, mật bò, mật trâu… Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn, hiện nay vị thuốc quý mật gấu này đã bị quảng cáo thái quá, sử dụng bừa bãi không đúng chỉ định sai lầm về liều lượng nên đã đưa lại hậu quả xấu cho sức khỏe người tiêu dùng. Không biết từ đâu mà “dân nhậu” rỉ tai nhau cách sử dụng mật gấu của các nhà hàng với mục đích phòng tránh say rượu. Việc sử dụng mật gấu kiểu này hoàn toàn sai và có thể dẫn đến những tai biến. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị các biến chứng mẩn ngứa, viêm gan, suy thận, thậm chí có thể tử vong do sử dụng mật gấu bừa bãi, không đúng chỉ định.
BS. Nguyễn Hữu Trường cho biết, thực tế điều trị trên lâm sàng còn cho thấy, các trường hợp dị ứng và nhiễm độc do uống mật gấu thường có diễn biến khá nặng và hay tái phát, chi phí điều trị tốn kém do thường có kèm theo tổn thương gan thận và phải điều trị kéo dài. Trước thực tế này, những người lớn tuổi và người có cơ địa dị ứng hoặc mắc bệnh gan thận cần hết sức thận trọng khi sử dụng mật gấu đường uống, tránh “tiền mất tật mang”.
Nguồn: Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.