Điều này khiến việc ngăn ngừa chứng loãng xương trở thành một lựa chọn được ưa chuộng và tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm ngăn chặn căn bệnh này lại thường tập trung vào một loại thuốc uống, chính là các loại thuốc bổ sung canxi, khoáng chất có “trách nhiệm” tạo xương khi chúng ta còn trẻ để duy trì trong suốt quãng đời còn lại, mà hiện có thể kéo dài tới khi chúng ta hơn 80, thậm chí là 90 tuổi.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại thuốc từng được coi là “vô hại”, tính an toàn và hiệu quả của các loại thuốc bổ sung canxi nhằm ngăn ngừa mất xương hiện đang bị đặt nhiều câu hỏi nghi vấn. Năm ngoái, Ủy ban Tác vụ Phòng bệnh Hoa Kỳ (United States Preventive Services Task Force) từng đưa ra khuyến cáo về việc phụ nữ đã mãn kinh nên hạn chế uống bổ sung canxi và vitamin D.
Sau khi xem xét hơn 135 nghiên cứu khác nhau, Ủy ban này nói rằng, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy các loại thuốc bổ sung đó có thể ngăn ngừa tình trạng rạn, gãy xương ở những phụ nữ khỏe mạnh. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ giữa các loại thuốc bổ sung canxi với nguy cơ lên cơn đau tim và tử vong vì các bệnh tim mạch cao hơn. Một số nghiên cứu khác không nhận thấy mối liên hệ nào, tùy thuộc vào số người tham gia khảo sát và thời điểm họ bắt đầu uống bổ sung canxi.
Những kết quả trái chiều này khiến rất nhiều phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ đã mãn kinh, băn khoăn không biết có nên uống thêm canxi không.
Nguồn canxi từ thực phẩm là an toàn nhất
Có một sự thật không ai có thể tranh cãi, nguồn canxi từ thực phẩm là an toàn và hiệu quả trong việc giúp cơ thể có một hệ xương khỏe mạnh. Thế nhưng, có lẽ có rất ít người trưởng thành, một tỉ lệ ngày càng lớn trẻ em và thanh thiếu niên tiêu thụ đủ các loại sản phẩm sữa và có nguồn gốc từ sữa để có đủ lượng canxi cho cơ thể theo như khuyến cáo.
Theo các thống kê mới nhất, mỗi năm trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 18 lít sữa, tức là chưa đầy 50ml (một cốc rất nhỏ) sữa mỗi ngày. Lượng sữa này không thể đủ khi sau tuổi 20, quá trình mất xương có thể bắt đầu vượt qua quá trình tạo xương trong cơ thể chúng ta; hay với các em học sinh nữ ở độ tuổi cấp 2, cấp 3 cũng vậy, khi các em nên cố gắng tối đa hóa quá trình tạo xương ở độ tuổi này để có thêm nguồn “dự trữ” khi quá trình mất xương bắt đầu diễn ra.
Với sữa chua, một nguồn cung cấp canxi đôi khi còn tốt hơn sữa nước, mặc dù lượng tiêu thụ đã tăng trong những năm gần đây, nhưng rất ít người ăn sữa chua hơn một lần mỗi ngày, vì thế rất khó đáp ứng đủ nhu cầu canxi hàng ngày. Ngoài ra, với các loại thực phẩm giàu canxi khác như pho mát, đậu phụ, sữa đậu nành, cá sác-đin đóng hộp (nếu ăn cả xương), hạnh nhân, cải xoăn, súp lơ… không phải ai cũng ăn đủ mỗi ngày để có đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể.
Cần thêm các nghiên cứu khác để đưa ra kết luận cuối cùng
Từ lâu nay, canxi được coi là có tác dụng bảo vệ cho hệ tim mạch. Khoáng chất này giúp hạ huyết áp và nguy cơ tăng huyết áp, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh tim mạch. Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Iowa, Mỹ, còn cho thấy lượng canxi tiêu thụ nhiều hơn sẽ làm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, những tranh cãi về việc uống bổ sung canxi bắt đầu dấy lên sau khi Tiến sỹ Mark J. Bolland của trường Đại học Auckland, New Zealand, tổng hợp và phân tích 15 nghiên cứu khác nhau, và phát hiện ra rằng khi uống canxi mà không có vitaminD (loại vitamin giúp tăng cường hấp thu canxi) thì những loại thuốc bổ sung canxi làm tăng nguy cơ lên cơn đau tim tới 30%.
Một trong các giải thích có thể là do một lượng canxi lớn được đưa vào máu thông qua các viên thuốc bổ sung, thay vì ngấm từ từ qua các loại thực phẩm, có thể dẫn đến lắng đọng canxi trong các động mạch. Thực ra, đây là một biến chứng đã được biết đến ở các bệnh nhân thận uống bổ sung canxi.
Tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng, với việc sử dụng các loại thuốc bổ sung canxi rộng rãi như hiện nay, cần thêm các nghiên cứu khác nữa để làm sáng tỏ các lợi ích và nguy cơ tiềm tàng, cũng như chúng áp dụng với những ai.
Trong khi chờ đợi, những người tiêu dùng muốn bảo vệ xương khớp của mình nên “khôn ngoan” dựa chủ yếu vào nguồn canxi từ thực phẩm và tập luyện thường xuyên các bài tập rèn luyện xương khớp như đi bộ, chạy hay nâng tạ. Ngoài ra, Quỹ Loãng xương Quốc gia của Mỹ vẫn giữ quan điểm rằng các nghiên cứu và khuyến cáo thận trọng gần đây về thuốc bổ sung canxi “không nên áp dụng với phụ nữ bị loãng xương hoặc bị vỡ xương sau tuổi 50 hoặc có nguy cơ lớn bị rạn nứt xương”. Đối với họ, lợi ích của các loại thuốc bổ sung canxi có vẻ như vượt xa bất kỳ nguy cơ nào.
Theo NewYork Times
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.