Chốt phiên, USD giảm 1,3% so với yên xuống 108,34 JPY/USD, mức giảm lớn nhất trong 2 tháng qua. Đà giảm này khiến đồng bạc xanh giảm gần 10% so với yên kể từ đầu năm đến nay.
Tuần này, yên đã tăng hơn 4% so với USD, củng cố vị thế đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong năm nay. Việc này diễn ra bất chấp Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) áp dụng lãi suất âm hồi tháng 1 vừa qua nhằm giảm tính hấp dẫn của đồng tiền này đối với các nhà đầu tư.
Dòng tiền đổ vào yên – được coi là tài sản trú ẩn an toàn – cho thấy giới đầu tư đang rất lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến Fed phải duy trì lộ trình nâng lãi suất một cách thận trọng.
Mối lo ngại này cũng khiến chứng khoán mất điểm khi cả 10 lĩnh vực chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều giảm. Chỉ số Dow Jones giảm 174,09 điểm xuống 17.541 điểm, chỉ số S&P mất 24,75 điểm xuống 2.041,9 điểm và Nasdaq Composite giảm 72,35 điểm xuống 4.848,37 điểm.
Chỉ số MSCI giảm 0,74% và FTSEurofirst 300 mất 0,76%.
Chỉ số Đôla ICE, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, tăng 0,14% lên 94,565 điểm.
Tuy giảm so với yên, song USD lại tăng giá so với đồng tiền các nước sản xuất hàng hóa khi giá dầu giảm và giới đầu tư tháo chạy khỏi tài sản rủi ro hơn. Theo đó, USD tăng 1,2% so với real Brazil lên 3,686 BRL/USD và tăng 1,2% so với rand Nam Phi lên 15,2638 ZAR/USD.
Giới đầu tư đang theo dõi sự xuất hiện của Chủ tịch Fed Janet Yellen trong cuộc hội đàm với các cựu Chủ tịch Fed để có thêm manh mối về việc liệu Fed có tiếp tục nâng lãi suất hay không. Hôm thứ Tư 6/4, biên bản phiên họp tháng 3/2016 của Fed cho thấy rằng Ngân hàng trung ương Mỹ không thể nâng lãi suất trước tháng 6 năm nay khi các nhà hoạch định chính sách đều tỏ ra lo ngại về những mối nguy đối với kinh tế Mỹ khi kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Nguồn: Theo Nhipcaudautu
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.