Vải làm mát hoặc làm ấm

Miếng dán biến mồ hôi thành nguồn sạc cho điện thoại

Một loại vải mới có thể khiến cuộc sống dễ chịu hơn với những ai phải thường xuyên mặc những chiếc áo bảo hộ cồng kềnh. Đó không chỉ là các nhà du hành, mà còn là lính cứu hoả, binh lính và những thợ lặn dưới biển sâu.

Áo bảo hộ thông thường có thể bị quá nóng hoặc quá lạnh, nhưng thiết kế mới do NASA hỗ trợ hứa hẹn sẽ điều chỉnh thân nhiệt của người dùng hiệu quả hơn. Nó có khả năng này là nhờ tập trung vào những vị trí có tiềm năng trao đổi nhiệt lớn nhất trên cơ thể. 

Loại áo mới trông tương tự như bộ đồ ướt của một vận động viên lướt sóng, bên trong chứa các ống dẫn được đổ đầy dung dịch có khả năng dẫn nhiệt nối với các cuộn dây trao đổi nhiệt. Các cuộn dây này được đặt ở những vị trí có sự trao đổi nhiều nhất. Bộ phận chuyển nhiệt sau đó sẽ nhanh chóng đưa nhiệt ra ngoài cơ thể (hoặc cấp nhiệt để cơ thể ấm lên, tuỳ theo yêu cầu), và bộ đồ sẽ trở nên nhẹ hơn, dễ chịu hơn với người mặc.

Theo một quy luật chung, xương và mạch máu là những nơi trao đổi nhiệt tốt nhất, trong khi cơ và mỡ truyền nhiệt rất kém. Vì thế, bộ phận chuyển nhiệt sẽ phủ lên những khu vực như mặt, háng và ngực, chừa các vùng như mông và cánh tay. Tuy nhiên, chủ nhân chiếc áo có thể có những bộ đồ may riêng phù hợp với khả năng kiểm soát nhiệt của cơ thể.

Các sensor trên đầu ngón tay người dùng sẽ theo dõi nhiệt độ. Chẳng hạn, khi nhà du hành gặp ánh nắng mặt trời nóng bức, nhiệt sẽ được chuyển từ vùng nóng phía trước tới vùng lạnh phía sau, thông qua các cuộn dây trao đổi nhiệt trên bộ đồ.

Sản phẩm là phát minh của Victor S Koscheyev và cộng sự, người Mỹ.

T. An

 

Theo NewScientist, Vnexpress