Theo GS, TS Nguyễn Văn Luật, giống tốt được coi như một trong những trợ thủ đắc lực nhất giúp nông dân tăng nhanh hơn hàm lượng chất xám trong nông sản.
Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam có nhiều thuận lợi, cũng có nhiều thử thách, sau khi tham gia và thực thi chính sách khu vực mậu dịch tự do ASIAN (AFTA), và thực hiện nghĩa vụ cam kết trong các chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của AFTA, nhất là từ khi nước ta hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bối cảnh trên ảnh hưởng ngày một mạnh tới nông nghiệp, cũng như tới công nghiệp và dịch vụ. Những ảnh hưởng này vừa tích cực do tiến bộ của khoa học và công nghệ, vừa có thể tiêu cực nếu nước ta không vượt được hàng rào kỹ thuật. Bằng chứng là trái cây nhập khẩu lấn sân thị trường trong nước do chất lượng và giá bán thấp hơn; hàng tôm cá xuất khẩu bị trả về do vấn đề an toàn thực phẩm.
Việt Nam đang gắng vượt qua những thử thách để có lợi thế trong cạnh tranh ở thị trường quốc tế cũng như trong nước, làm cho sự cạnh tranh này thật sự là động lực phát triển kinh tế nông nghiệp có định hướng XHCN. Nông nghiệp cạnh tranh thể hiện ngày một rõ nét trong nền kinh tế thị trường hội nhập WTO, chủ yếu trên cơ sở phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao…
Nuôi cấy mô tạo giống cây mới |
Trong nước, giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ cũng có sự cạnh tranh về diện tích đất, mặt nước và nhất là nhân lực, khi quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra ngày một nhanh. Trong nông nghiệp, sự cạnh tranh này cũng xảy ra ở nhiều mặt: như giữa trồng trọt và chăn nuôi/thả tôm cá. Người nông dân luôn chọn giải pháp công nghệ hợp lý trong điều kiện của mình, nhất là những cây trồng, vật nuôi với những giống phù hợp nhất để sản xuất cho lợi nhuận cao nhất.
Sự cạnh tranh trên được coi như “quan tòa” xử thắng cho người sản xuất nào có sản phẩm chất lượng cao nhất và giá thành hạ nhất. Bàn tay vô hình của kinh tế thị trường và hữu hình của Nhà nước XHCN làm cho kinh tế hội nhập phát triển không ngừng do tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, hiện nước ta mới đạt có 17%, trong khi Trung Quốc đạt 48%, Mỹ đạt 82%. Giống tốt được coi như một trong những trợ thủ đắc lực nhất giúp nông dân tăng nhanh hơn hàm lượng chất xám trong nông sản.
Có nhiều cách để có giống tốt. Người nông dân trong nông nghiệp cổ đại bắt đầu bằng hái lượm và săn bắt, rồi chọn trong tự nhiên giống tốt để tự sản xuất. Giống lúa Basmati và Khaodokmali hiện còn nổi tiếng thế giới được chọn theo cách này, giống OMCS7 có 75-80 ngày cũng được chọn từ sản xuất lúa ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh). Ðang có những nỗ lực phục tráng giống lúa thơm đặc sản Việt Nam, như lúa tám thơm ở đồng bằng Sông Hồng và nàng thơm ở đồng bằng sông Cửu Long.
Phương pháp tạo chọn giống truyền thống và phổ biến nhất là lai tạo, các phương pháp tạo giống lúa khác, như đột biến tạo giống lúa lai ba và hai dòng, nuôi cấy túi phấn đã có giống đưa ra phục vụ sản xuất, nhưng còn ở thế tiềm năng và vị trí bổ sung.
Tạo giống bằng công nghệ sinh học hiện đại, bao gồm kỹ thuật di truyền, nuôi cấy túi phấn đang được áp dụng ở Việt Nam. Phát triển giống cây trồng chuyển nạp gien (GM) hiện có ý nghĩa thương mại rộng rãi trong áp dụng công nghệ sinh học nông nghiệp hiện đại. Một tổng kết năm 1999, giống được tạo chọn bằng kỹ thuật di truyền đã được trồng trên 39,9 triệu ha, doanh thu từ những giống GM lên tới 2,3 tỷ USD. Ở Việt Nam, nhiều cơ quan khoa học đã tiếp cận và thực thi dự án thuộc loại này, trong đó có bộ môn Công nghệ Sinh học Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đang thực thi dự án Bin Ghết, trước đấy là Rockerfeller Foundation. Giống của loại cây trồng đang được nghiên cứu là lúa, bông, đậu tương (đậu nành). Ðã có giống lúa GM đưa về An Giang và Trà Vinh khảo nghiệm và sản xuất thử, tỏ ra có nhiều triển vọng. Ðây là công việc mới và khó, nhưng khi làm được thì có ý nghĩa rất lớn. Vừa giảm nhập thuốc trừ sâu tốn ngoại tệ, vừa tăng sản lượng để giảm nhập khẩu bông sợi, hạt bắp, hạt đậu nành, nhất là vừa bảo vệ nông dân khỏi nhiễm độc, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.
GS, TS Nguyễn Văn Luật
Theo Nhân Dân