Vành đai nhiệt đới mở rộng nhanh hơn dự báo

Vành đai nhiệt đới đang mở rộng diện tích về hai cực của quả địa cầu, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đăng trên trang web của nhật báo Khoa Học địa Lý Quốc Gia ngày 2-12.

Các nhà khoa học phát hiện trong 25 năm qua, khu vực có khí hậu nhiệt đới đã mở rộng thêm tổng cộng 277km về phía hai cực, tức hiện nay trái đất có thêm 22 triệu km2 diện tích mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới.

Báo Independent cho biết nghiên cứu trên là công trình hợp tác của tiến sĩ Dian Seidel thuộc Trường đại học Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Washington (Mỹ) cùng một số đồng nghiệp.

Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Dian Seidel và đồng nghiệp có thể được xem là “gây sốc”, vì cho thấy vành đai nhiệt đới mở rộng nhiều và nhanh hơn dự báo. Các chương trình máy tính về khí hậu toàn cầu của Ủy ban về biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc dự đoán đến hết thế kỷ 21, khu vực nhiệt đới sẽ mở rộng thêm tối đa 2 độ trên vĩ tuyến về phía hai cực. Kết quả của tiến sĩ Dian Seidel và đồng nghiệp cho thấy hiện nay vành đai này đã mở rộng thêm 2,5 độ.

Theo từ điển bách khoa mở Wikipedia, khu vực nhiệt đới (còn gọi là cận xích đạo) là khu vực địa lý trên Trái đất nằm trong khoảng có đường ranh giới là hai đường chí tuyến: hạ chí tuyến ở Bắc bán cầu và đông chí tuyến ở Nam bán cầu, bao gồm đường xích đạo.

Các nhà khí tượng học có định nghĩa phức tạp hơn về ranh giới của khu vực nhiệt đới, dựa trên năm nhóm tiêu chí khác nhau, chủ yếu mô tả các dòng khí lưu và hải lưu xung quanh khu vực xích đạo. Ở ngay trên đường xích đạo, không khí rất nóng, đem theo khí ẩm là yếu tố quan trọng gây ra bão nhiệt đới. Càng xa xích đạo, lượng không khí giảm, khiến vùng cận xích đạo khô hạn hơn. Các nhà khoa học phát hiện miền biên giới của vùng nhiệt đới đang mở rộng về phía hai cực. 

Theo các nhà nghiên cứu, việc mở rộng này kéo theo sự di chuyển của những đặc điểm khí hậu nhiệt đới về phía hai cực, có thể dẫn đến sự thay đổi trong đặc tính về lượng mưa, ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, nông nghiệp và nguồn nước.

Khu vực bị ảnh hưởng khá rộng, bao gồm một phần lớn diện tích ở Địa Trung Hải, phía tây nam nước Mỹ, bắc Mexico, nam Úc, nam Phi và một phần Nam Mỹ. “Diện tích vành đai nhiệt đới tăng lên có thể khiến nhiều khu vực chịu ảnh hưởng của bão nhiệt đới hơn. Diễn tiến và đặc tính các cơn bão này cũng trở nên khó dự báo hơn” – báo cáo nhấn mạnh.

Ngoài ra, vành đai nhiệt đới mở rộng sẽ góp phần làm trầm trọng hơn sự ấm dần lên của trái đất, vì làm tăng tốc độ bơm hơi nước vào tầng khí uyển cao.

Úc là một trong những nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì hiện tượng mở rộng vành đai nhiệt đới, do những cơn gió thổi từ hướng tây vốn đem lại lượng mưa cần thiết cho vùng bờ biển khô cằn phía nam nước này bị đẩy về hướng nam, nước mưa trút xuống đại dương rộng lớn thay vì trên đất liền.

Giáo sư Barry Brook ở đại học Adelaide (Úc) khẳng định sự mở rộng vành đai nhiệt đới chắc chắn sẽ dẫn đến sự mở rộng các mầm bệnh nhiệt đới và các loài côn trùng gây bệnh. “Dấu hiệu toàn cầu về sự mở rộng nhanh chóng của vành đai nhiệt đới càng củng cố thực tế rằng sự biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn dự báo” – ông nhấn mạnh.

Nghiên cứu trên được công bố đúng vào thời điểm hội nghị về biến đổi khí hậu khai mạc ở Bali, Indonesia. Khoảng 10.000 đại biểu, nhà khoa học và nhà báo từ gần 190 nước đã khai mạc hội nghị quốc tế lớn nhất từ trước tới nay do Liên Hiệp Quốc tổ chức về thay đổi khí hậu, với mục tiêu xây dựng một hiệp ước quốc tế mới vào năm 2009 nhằm đối phó với sự ấm lên toàn cầu, hay thảm họa về kinh tế và môi trường do nhiệt độ tăng lên.

Hình minh họa cho thấy khu vực có khí hậu nhiệt đới (màu xanh) đã mở rộng về phía hai cực của trái đất. (Ảnh: TTO)

Úc phê chuẩn nghị định thư Kyoto

Hạn hán làm nứt nẻ đất ở bang New South Wales (Úc). Tình trạng khô hạn gia tăng trong những năm gần đây ở Úc có thể là hậu quả của hiện tượng mở rộng vành đai nhiệt đới

Nguồn tin Reuters cho biết tân Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã phê chuẩn nghị định thư Kyoto ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 3-12.

Động thái của vị thủ tướng 50 tuổi đã biến Mỹ thành nước phát triển duy nhất chưa phê chuẩn nghị định thư hạn chế khí thải carbon này.

“Đây là hành động chính thức đầu tiên của một Chính phủ Úc mới, thể hiện cam kết của chính phủ trong việc giải quyết sự biến đổi khí hậu” – Thủ tướng Rudd tuyên bố.

THANH TRÚC

 

Theo Tuổi trẻ