Cả nhà có thể cùng quây quần quanh nồi lẩu nóng hổi với nhiều nguyên liệu thơm ngon và bổ dưỡng, dịp nghỉ cuối tuần sẽ thêm vui vẻ và ý nghĩa.
Món lẩu gà luôn là thực đơn quây quần của rất nhiều gia đình, nhóm bạn trẻ không chỉ bởi đây là món ăn ngon miệng, bổ dưỡng, mà còn bởi cách sơ chế dễ dàng cộng thêm hương vị thịt dễ ăn, mọi người đều có thể thưởng thức được. Tuy nhiên, cách nấu lẩu gà ngải cứu làm sao để ngon như nhà hàng thì vẫn cần có bí quyết đấy nhé!
Nguyên liệu
– Gà ta: 1 con khoảng 2kg
– 300g nấm kim châm (có thể mua 2 gói cho khoảng 4-5 người)
– 200g nấm hương
– Gói thuốc bắc nấu lẩu gà (bạn có thể dễ dàng mua ở các tạp hóa với giá chỉ 5.000 đồng thôi nhé)
– Rau ngải cứu: 2 mớ
– Trứng vịt lộn: 5 – 10 quả
– Váng đậu khô
– Đậu non: 5 bìa
– Bún tươi: 1kg
– Sả, rau ăn lẩu như rau cải, rau muống
– Muối, hạt nêm, sa tế.
Cách nấu lẩu gà ngải cứu
-
1
Khi mua gà ngoài chợ, bạn nên nhờ người bán làm sẵn cho, vừa nhanh vừa tiện. Sau đó, bạn lấy một nắm muối xát quanh mình con gà cho hết lông măng và bớt tanh.
Lọc các phần nhiều thịt như đùi, ức, cánh gà để riêng. Chặt phần gà thành các miếng vừa ăn rồi cho 1 thìa bột canh, 1 thìa bột nêm cùng gừng, sả đập dập ướp cho ngấm gia vị.
-
2
Phần đầu, cổ và các phần nhiều xương mang ninh lên để lấy nước dùng. Khi ninh cho thêm gói nấu lẩu để hòa lẫn gia vị cho nước dùng thơm và đượm vị hơn. Tùy vào số người ăn mà bạn chế nước dùng cho phù hợp nhé. Nếu muốn nước dùng ngọt hơn thì bạn cũng có thể mua thêm ít xương lợn ninh cùng.
-
3
Làm sạch các loại nấm: Nấm kim châm cắt gốc, rửa sạch đất bám, nấm hương ngâm với nước ấm rồi rửa sạch và để sẵn cho ráo nước.
Rau ngải cứu, rau cải, rau muống mang nhặt bỏ phần già, sâu úa, đem rửa sạch. Sau đó ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 30 phút cho đảm bảo.
-
4
Bạn múc một ít nước dùng ra một chiếc nồi nhỏ hơn, đun sôi rồi đập trứng vịt lộn vào. Khi trứng chín, bạn dùng thìa lỗ vớt trứng qua nồi lẩu. Làm cách này thì nước dùng sẽ không bị đục.
-
5
Chuẩn bị các loại rau ăn kèm, nấm, đậu non, váng đậu ra bàn. Đợi nước dùng sôi lớn thì thả dần thịt gà, rau, nấm, váng đậu vào để ăn. Gia đình có thể ăn lẩu gà ngải cứu cùng bún, mì hoặc bánh đa tùy sở thích.
-
6
Tèn ten, vậy là đã nồi lẩu gà ngon tuyệt hảo này rồi đó. Gà là phải đi với ngải cứu, nếu thiếu loại rau này, món lẩu gà sẽ mất đi hương vị đặc trưng thơm thơm nồng nồng. Khi ăn lẩu gà ngải cứu bạn sẽ cảm nhận được cái hương vị khác biệt, độc đáo so với những món lẩu khác.
Cũng giống như những loại rau nhúng lẩu khác, bạn nên để rau ngải cứu chín tới rồi vớt ra ăn kèm thịt gà nhé. Trông cầu kì thế thôi nhưng cách nấu lẩu gà ngải cứu đơn giản lắm đó.
Xem thêm: