Về chốn thiền viên An bình tĩnh tâm

chua

Cù lao An Bình là một cù lao xanh ngát những vườn cây ăn trái, có nhiều hộ đã biến nhà vườn của mình thành điểm du lịch sinh thái, homestay, hấp dẫn nhiều khách du lịch trong nước, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham quan, thư giãn.

Từ hàng chục năm nay, An Bình trở thành điểm du lịch nổi bật của Vĩnh Long. Với một chiếc vỏ lãi gắn máy, khách được dịp phiêu bồng qua những ngõ ngách sông nước miệt vườn của cù lao nầy với khoảng 60 kinh rạch lớn nhỏ, thật thú vị. Xuồng ghe đưa khách luồn lách qua các kinh rạch ngập tràn phù sa, rợp xanh bóng mát với tiếng chim hót líu lo. Và trên tuyến thủy trình đó, khách còn có dịp chiêm ngưỡng một ngôi chùa đẹp, thanh tĩnh giữa bao la cây trái xanh tươi. Đó là ngôi cổ tự Tiên Châu. Từ thành phố Vĩnh Long, chỉ cần qua phà An Bình, lên bờ đi một đoạn ngắn là đến chùa Tiên Châu.

Theo Đại Nam nhất thống chí, cù lao nầy nằm trên sông Tiền, thuộc làng Bình Lương và An Thành. Truyền thuyết cho biết hai làng Bình Lương và An Thành mặc dù cách nơi đô hội không xa (thành Vĩnh Long) nhưng không khí tĩnh mịch, cây cối tốt tươi. Tại đây có xóm chài lưới, cửa nhà thưa thớt. Những đêm trăng thanh gió mát có tiên nữ xuống tắm gội, nô đùa. Do đó có tên là Tiên Châu, nghĩa là bãi tiên.

chua
Tượng Phật Bà với chín con rồng phục quanh bên dưới đài sen.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Đức có bài vịnh Bãi Tiên, như sau:

Tiên Châu giăng trước Vĩnh Long thành
Đây rộn rực nhiều, đó vắng tanh
Khuất nửa cỏ cây, nhà trắng trắng
Chia hai trời nước liễu (*) xanh xanh
Cảnh người ngày tháng ba thằng mục
Chùa Phật hôm mai một tiếng kình
Danh lợi vì đây lòng chẳng tưởng
Bốn mùa phong cảnh có ai tranh”.

Theo truyền thuyết, chùa Tiên Châu được xây dựng vào khoảng năm 1750. Năm ấy, hòa thượng Giác Nguyên (đệ tử thiền sư Liễu Quán, quê ở Thừa Thiên) đến đây thấy khung cảnh u nhã, đã dựng một am nhỏ bằng tre, vách lá thờ Phật Di Đà, giáo chủ cõi Tây phương cực lạc, gọi là Tiên Châu Di Đà tự, thường gọi là am Bãi Tiên. Với am Bãi Tiên, hòa thượng Giác Nguyên thường tổ chức các sinh hoạt Phật sự, thu hút khá đông tín đồ.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép rằng: Vào năm 1801, hòa thượng Giác Nguyên viên tịch, ni sư Diệu Thiện đến chăm nom am Bãi Trước, đồng thời vận động khách thập phương quyên góp tiền xây dựng thành chùa Bãi Tiên. Năm 1828, giáo thọ Huỳnh Văn Lượng thay ni sư Diệu Thiện trụ trì chùa. Từ năm 1829 đến năm 1858, hòa thượng Tăng Chiếu quản lý chùa. Cho đến khi hòa thượng Tánh Minh (tục danh Hoàng Đức Hội), đời thứ 39 phái Lâm Tế dòng Liễu Quân trụ trì thì chùa được xây dựng lại bằng gỗ với tên gọi là Tiên Châu Di Đà Tự.

chua
Mặt trước chánh điện chùa Tiên Châu.

Chùa được xây dựng theo hình chữ tam, 3 gian nối liền nhau, gồm có chánh điện, hậu tổ, hậu liêu. Chùa có tất cả 96 cột gỗ tròn, các kèo, xuyên, trính đều được chạm trổ khéo léo qua bàn tay tinh xảo của các nghệ nhân địa phương, nhất là những người thợ tài hoa từ kinh đô Huế vào. Toàn bộ gỗ xây dựng đều là danh mộc được thả bè từ Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia) về đây.

(Trong khi đó Đại Nam nhất thống chí cho rằng chùa Tiên Châu do hòa thượng Tánh Minh khai sơn. Hòa thượng là đời thứ 39 phái Lâm Tế, dòng Liễu Quán. Qua pháp danh, có thể suy ra rằng ngài Tánh Minh là đệ tử hòa thượng Đạo Thành, người khai sáng chùa Khánh Long (Biên Hòa, Đồng Nai) và chùa Hội Sơn (Thủ Đức, TPHCM). Từ đó đoán rằng hòa thượng Tánh Minh có thể là người vùng Biên Hòa hoặc Gia Định xưa, vốn là trụ trì chùa Hội Sơn).

Sau khi hòa thượng Tánh Minh viên tịch vào năm 1881, chùa đã trải qua khoảng 15 thế hệ giáo thọ, thủ tự thay nhau quản lý. Năm 1899 (Kỷ Hợi), các vị sư chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho, Tiền Giang) qua Tiên Châu Di Đà tự hành đạo. Bấy giờ chùa đang xuống cấp nên tín đồ gom góp tiền của trùng tu lại. Từ đó, ngôi cổ tự này được gọi tên là chùa Tiên Châu, còn tên gọi Tiên Châu Di Đà tự đã đi vào dĩ vãng.

Về chốn thiền viên An bình tĩnh tâm  - 1

Từ năm 1992, thầy Thích Thành Chiếu trụ trì… Qua mỗi đời các nhà sư trụ trì, chùa Tiên Châu đều được trùng tu, kiến tạo cho đẹp hơn. Năm Mậu Thân (1968), chùa được xây dựng lại, nhưng vẫn giữ quy mô xây dựng năm 1899, gồm bốn nóc, tiền đường, chánh điện, trung đường và hậu tổ. Các khu vực nầy làm theo kiểu tứ trụ, được nới rộng theo chiều ngang dọc nhờ các kèo đầm kèo quyết. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái ngói âm dương… Chùa rộng 20 mét, dài 46 mét, trên nóc giữa chánh điện có 5 ngọn tháp mà tháp chính giữa là cao lớn hơn hết, như ta thấy ngày nay. Năm ngọn tháp trên nóc chùa cũng là một phong cách kiến trúc giống chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho, Tiền Giang).

Nội điện chùa được trang trí đẹp đẽ, trang nhã. Giữa tứ trụ là khánh thờ, bên trong tôn trí pho tượng Phật Di Đà khổng lồ. Hai bên khánh thờ là câu đối khắc dòng chữ: “Phật nhật tăng huy vĩnh thùy vạn cổ / Pháp luân thường chuyển biến thập phương”.

Dưới tượng Phật Di Đà là bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Phật Thích Ca tọa thiền, Phật Thích Ca đản sinh. Phía sau tượng Phật Di Đà là tượng Phật Di Lặc cũng to lớn đặc biệt… Hai bên vách hông là khánh thờ thần Già Lam, khánh thờ tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, Thập điện Diêm vương, Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam tào, Bắc đẩu, Địa Tạng, Chuẩn Đề, Hộ pháp, Tiêu Diện đại dĩ… Tất cả các pho tượng nầy đều được đắp tạc khéo léo, công phu, đậm nét mỹ thuật, được sơn son thếp vàng đẹp đẽ. Nhưng độc đáo nhất là bằng mắt thường không ai có thể biết đó là các pho tượng đắp bằng đất sét.

Trong khuôn viên, phía trước chùa có tượng Phật Bà Quan Âm đứng uy nghi trên đài sen, tay cầm bình nước cam lồ tưới nhuần ơn phước cho chúng sinh. Bên trái chùa là tượng Phật Thích Ca tĩnh tọa dưới sự che chở của chín con rồng, đằng sau là cội bồ đề râm mát. Bên phải chùa là tượng Phật Di Lặc với nụ cười viên mãn cho một thời kỳ mai sau con người sống hết sức an lạc…

Sau hàng trăm năm hình thành và phát triển, chùa Tiên Châu được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 3211/QĐ, ngày 12-12-1994.