Vết thương trên lưng cụ Rùa ngày càng nghiêm trọng

Vết thương trên lưng cụ Rùa ngày càng nghiêm trọng

Quan sát cụ rùa ở hồ Gươm, Hà Nội, nổi liên tục trong trạg thái lừ đừ nhiều ngày nay, các chuyên gia chụp được đám loang lổ trên lưng cụ và kết luận vết thương ngày càng nặng lên.

>> Điểm những hình ảnh thương tâm về Cụ rùa hồ Gươm
>> Nhà khoa học nói gì tại Hội thảo bảo vệ Cụ Rùa?

Theo ghi chép của giáo sư Hà Đình Đức, từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2010, số lần cụ nổi lên là từ 9 -14 lần/tháng. Nhưng chỉ trong 18 ngày tháng 2 này, cụ Rùa hồ Hoàn Kiếm đã nổi liên tục tới 28 lần, thời gian nổi khá lâu.

Chiều qua và sáng nay, cụ Rùa lại nổi lên với khoảng thời gian khá lâu, từ 9 đến 11 giờ. Chiều qua cụ nổi ở đoạn sát khu vực hai đường thoát nước thải từ đền Ngọc Sơn ra đoạn đường đôi Đinh Tiên Hoàng, gần mép bờ hồ khoảng một mét. Còn trong sáng nay cụ nổi gần bờ nhà hàng Thủy Tạ.

Vết thương trên lưng cụ Rùa ngày càng nghiêm trọng
HÌnh ảnh cụ Rùa nổi hôm qua với nhiều vết thương trên mình. Ảnh: Hà Hồng.

Theo quan sát của nhà báo Hà Hồng, người đã liên tục theo dõi cụ rùa nhiều năm, trong hai lần nổi hôm qua và hôm nay, do cụ Rùa nổi gần bờ nên người quan sát nhìn rất rõ vết thương của cụ.

Những vết mốc trắng trên lưng cụ ngày càng đậm nét, vết thương ở phần mai phải lan nhanh sang cả bên trái, trông nham nhở. Mỗi lần quan sát tôi thấy vết thương của cụ ngày càng nặng hơn”, ông Hà Hồng cho hay.

Giáo sư Hà Đình Đức cho rằng, những lần nổi liên tiếp gần đây cho thấy những dấu hiệu bất thường liên quan đến sức khỏe cụ Rùa.

Vết thương của cụ so với những ngày trước đó ngày càng nghiêm trọng hơn”, giáo sư Đức lo lắng. Ông cho rằng cần thiết ngay bây giờ đưa cụ Rùa lên chân tháp Rùa để kiểm tra và chữa trị kịp thời.

Tiến sĩ Bùi Quang Tề, viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, nói rằng, vết lở loét ở dọc phần giữa mai lưng là rất nặng, thêm vào đó là do môi trường nước hồ bẩn nên càng khiến vết thương nặng hơn. Nói về việc cụ Rùa nổi lên nhiều lần, ông Tề cho hay có thể cụ mắc bệnh viêm phổi vi khuẩn không thể ở lâu dưới nước mà thường xuyên nổi lên để thở.

Tại hội thảo ngày 15/2 vừa qua, bà Phan Thị Vân, thuộc viện nghiên cứu thủy sản, đưa ra giả thiết các vết mốc trắng dọc trên sống lưng cụ Rùa có thể do các vết tổn thương lâu ngày đã đóng vảy và trở thành mãn tính.

Cõng cụ lên bờ?

Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các ngành chức năng cùng các nhà khoa học đưa ra phương án thống nhất để cứu cụ rùa chậm nhất là ngày 25/2.

Hiện có nhiều ý kiến trái chiều về việc đưa cụ Rùa lên bờ chữa trị. Một số nhà khoa học, trong đó có Giáo sư Đức, ủng hộ cách này, nhưng cũng có nhiều người phản đối.

Theo đại diện của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, một trong những phương pháp điều trị cho cụ Rùa đang được Sở cân nhắc là tạo bể bơi thông minh ngay tại hồ, không phải đưa cụ lên.

Chiếc bể bơi này sẽ được lắp chìm ngay tại hồ, bể bơi nổi lên mặt nước nhờ hệ thống phao nổi. Nước trong bể bơi chính là nước hồ, được cho chảy vào bể thông qua hệ thống máy bơm thông minh có thể đo các chỉ số nước hồ. Trong trường hợp các chỉ số không đạt, máy bơm sẽ tự cân bằng, đảm bảo rằng nước chảy vào bể đạt đủ tiêu chuẩn đề ra. Cụ Rùa sẽ được đưa vào bể chăm sóc vết thương và lưu lại trong đó cho đến khi khoẻ mạnh hoàn toàn mới đưa trở lại hồ Gươm.

Vết thương trên lưng cụ Rùa ngày càng nghiêm trọng
Đường ống nước thải này có thể là một trong những nguyên nhân khiến cụ Rùa bị thương
(Ảnh: Hà Hồng)

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, tổng giám đốc tập đoàn thương mại KAT, người có kinh nghiệm 14 năm trong nuôi rùa, cảnh báo không nên dùng biện pháp thủ công đưa cụ Rùa lên chạy chữa, bởi có nguy cơ làm vỡ gan, vỡ mật cụ. Ông Khôi kể ông từng bắt con rùa chỉ nặng khoảng 50 kg, nhưng khi khiêng lên nó đã quẫy đạp, rơi xuống đất, mai bị vỡ, khiến gan mật vỡ ra.

Trọng lượng cụ Rùa hiện nay ước tính 200 kg, cho nên việc bắt bằng phương pháp thủ công là không an toàn, ông Khôi bình luận.

Tiến sĩ Hà Đình Đức, thành viên Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Gươm của Hà Nội, cho biết Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đang lấy mẫu nước và bùn ở nhiều điểm trên hồ Gươm nhằm các định mức độ ô nhiễm của hồ.

Về việc bắt rùa tai đỏ, theo Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội, sẽ sử dụng nhiều loại bẫy khác nhau, tiến hành đồng thời với các hoạt động cải tạo Hồ Gươm. Tuy nhiên, Sở chưa công bố lịch trình cụ thể hoạt động bắt rùa tai đỏ.

 

Theo Vnexpress