Vì sao bé hay nói dối?

Chẳng bố mẹ nào muốn con nói dối, thế nhưng, việc dùng hình phạt khi bé nói dối sẽ không mang lại những kết quả tốt đẹp, thậm chí nó còn khiến con nói dối nhiều hơn.

Có một phát hiện… thú vị là bọn trẻ ít nói thật vì chúng sợ bị phạt. Thế nên chúng thường chỉ nói thật khi những việc chúng làm có thể làm hài lòng người lớn. Và sự thật là rất nhiều đứa trẻ đã cảm thấy rằng như thế sẽ tốt hơn cho bản thân mình.

Vì vậy, dưới đây là những gì cha mẹ có thể làm để khuyến khích sự trung thực của trẻ:

Đặt mình vào vị trí của con

Để thực sự hiểu vì sao con nói dối, con mong muốn điều gì và làm thế nào để bé có thể dễ dàng nói ra sự thật. Đừng vội nghiêm trọng hóa vấn đề khi phát hiện bé nói dối, bởi sự thật là chúng ta luôn mong muốn con mình nói thật, nhưng thực tế thì hầu hết trẻ em đều nói dối. Nó xuất phát từ tự nhiên và được coi như một dấu hiệu của sự phát triển về nhận thức.

Đừng vội chỉ trích khi con nói dối, điều đó chỉ khiến bé càng không trung thực những lần tiếp theo. (Ảnh minh họa)
>>> Xem thêm: Con sai, dại gì mà giận

Để giải quyết vấn đề trên thì mẹ hãy nhẹ nhàng giải thích cho con biết tầm quan trọng của sự trung thực. Và phải để bé thấy rằng, ngay cả khi con làm sai, điều đó không hẳn là xấu mà quan trọng hơn, con cần chịu trách nhiệm cho việc đó.

Khuyến khích con đối mặt với vấn đề

Khi bé làm được việc tốt, hẳn nhiên bố mẹ sẽ cảm thấy rất hài lòng; và mẹ biết không, bé cũng luôn có xu hướng muốn làm vui lòng bố mẹ đấy! Thế nên đôi khi làm sai điều gì, con chỉ muốn “giấu nhẹm” đi để bố mẹ khỏi buồn, chẳng hạn như khi được điểm kém, con sẽ nói rằng: “Hôm nay con chẳng có bài kiểm tra nào” hoặc trả lời một cách chung chung: “Kết quả cũng tạm ạ”, trong khi sự thật là bé đang “bê bết” với điểm số.

Lúc này, hãy nói với con rằng, điểm kém không có nghĩa là con đã sai, và bố mẹ không hề buồn lòng vì điểm số của con. Bố mẹ vẫn vui khi con đã cố gắng hết sức cho các môn học, và chỉ buồn khi con không tin tưởng mà giấu bố mẹ chuyện điểm số mà thôi. Tương tự như những việc khác, khi bé làm rơi đồ, đánh bạn, trốn học,… hãy cố gắng cùng con tìm ra nguyên nhân, và phân tích cho bé hiểu thế nào là đúng, sai và cần làm gì để khắc phục điều đó. Đồng thời, chỉ cho con thấy khi con nhìn nhận vấn đề và sửa chữa, kết quả sẽ tốt đẹp như thế nào. Chắc chắn từ đó, bé sẽ không còn nói dối nữa đâu!

Nói “không” với mắng mỏ và sự trừng phạt

Bố mẹ tuyệt đối không nên phạt con khi chúng nói ra sự thật, bởi điều đó sẽ trở thành nguyên nhân cho những lần nói dối tiếp theo. Khi con đang trung thực thì bố mẹ nên công nhận và chấp nhận nó. Nên để cho con biết rằng bố mẹ luôn đánh giá cao sự trung thực. Vì vậy, nếu con có lỡ đánh vỡ một chiếc bình và nói cho bố mẹ biết thì bạn không nên tức giận. Hãy khen ngợi những việc làm như thế bởi con đã nói ra sự thật, và nói cho con biết rằng, con có thể làm một số công việc để bù đắp lại việc làm vỡ bình đó.

Nói về những điều xấu có thể xảy ra khi nói dối là chưa đủ bởi vì bọn trẻ đã “dự đoán” được điều đó rồi. Hãy nhấn mạnh thêm rằng sự trung thực, dám nói ra và đối mặt với vấn đề sẽ khiến con thấy thoải mái, hạnh phúc hơn. Quan trọng nhất là đầu tiên, bố mẹ phải xây dựng lòng tin với bé, hãy để bé thấy tin tưởng, thoải mái khi nói ra sự thật, và từ đó mối quan hệ giữa bé với bố mẹ cũng trở nên gần gũi, tốt đẹp hơn rất nhiều.

Nguyễn Hằng
(Theo congluan.vn)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.