Các loài vật khác khi chết dưới nước thường chìm, riêng cá lại nhanh chóng nổi lên mặt nước. Một cơ chế hoá học đặc biệt đã khiến chúng như vậy.
Lý giải nguyên nhân cá chết nổi trên mặt nước
Cá nặng hơn không đáng kể so với môi trường nước xung quanh. Chúng gần như có lực nổi trung tính, nghĩa là sức nặng khiến nó chìm xuống cân bằng với lực bên trong cơ thể khiến con vật nổi lên. Điều đó cũng có nghĩa là cá không phải nỗ lực quá nhiều để có thể giúp mình nhô lên khỏi mặt nước hay lặn xuống đáy.
Càng xuống sâu dưới nước áp suất càng tăng. Hầu hết các loài cá chống lại sự thay đổi này bằng cách sử dụng một túi nhỏ trong cơ thể gọi là bong bóng hơi hoặc bong bóng khí. Nước đi vào miệng cá và đi ra qua mang. Tại mang, ôxi được trao đổi và được hemoglobin chuyển tới mạch máu. Hemoglobin cũng giải phóng một phần oxy đó vào bong bóng.
Lượng oxy trong bong bóng sẽ quyết định độ nổi của cá. Nếu chú cá bắt đầu chìm, oxy sẽ được hấp thụ vào bong bóng. Nếu chú ta nổi lên quá cao, khí sẽ được khuyếch tán bớt vào máu và thoát ra qua mang.
Bình thường, bong bóng màu xanh giúp con vật giữ cân bằng trong nước. Khi cá chết, toàn bộ khoang bụng, ruột và bong bóng của nó đều đầy khí khiến con vật nổi lên.
Mark Boriek, một nhà sinh học tại Bộ nghề Cá và Tự nhiên bang New Jersey, Mỹ giải thích quá trình này “không phải là nỗ lực chủ động của con cá, mà là một phản ứng hoá học trước sự biến đổi của áp suất quanh con vật“.
Khi một con cá chết, oxy vẫn còn ở trong bong bóng của nó. Ngoài ra, quá trình phân huỷ xác sinh ra thêm các loại khí khác mới. “Con cá giống như một cái hộp kín, khi nó phân huỷ, khí sẽ lấp đầy cơ thể“, Boriek nói. Chẳng mấy chốc, cái bụng trở thành một quả khinh khí cầu và con cá nổi lên mặt nước. Cá nặng hầu hết là do xương và cơ ở hai bên sống lưng, vì thế khi quả khí cầu ngoi lên, con cá có xu hướng đổ nghiêng sang một bên.
Không phải lúc nào cá chết cũng nổi lên mặt nước ngay. Chúng có thể nằm ở dưới đáy cho đến khi khí tích đầy cơ thể.
Theo LiveScience, Vnexpress