Gầy đây, cư dân mạng tại Việt Nam đang xôn xao một bài viết về ý kiến của một cựu du học sinh Nhật – doanh nhân Nguyễn Ích Vinh về lý do thất bại trong kinh doanh của trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza. Theo ông Vinh, Tràng Tiền Plaza là nơi bán những sản phẩm cao cấp, xa xỉ, đặc biệt là nhãn hàng thời trang và trang sức nhưng lại chưa biết cách bán hàng và cung cấp một dịch vụ quá kém. “Chúng tôi sẽ không mua ở Tràng Tiền vì các bạn muốn chúng tôi tiêu tiền như giới siêu giàu, nhưng lại mang cho chúng tôi dịch vụ bình dân”, ông Vinh cho biết.
Để hiểu thêm về tầm quan trọng của việc đẩy mạnh sự chuyên nghiệp về dịch vụ khi bán hàng trực tiếp đối với những mặt hàng xa xỉ, chúng ta sẽ cùng tham khảo ý kiến của bà Dnani Mau, đến từ tạp chí thời trang Fashionista để trả lời cho câu hỏi: “Vì sao các nhãn hàng xa xỉ không phát triển kinh doanh online mà cần chú trọng đến bán hàng trực tiếp?”
Ngay tại thời điểm này, vào năm 2014, vẫn có nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng hoàn toàn không mở dịch vụ bán hàng trực tuyến. Để có thể mua những bộ trang phục yêu thích, khách hàng của họ phải bắt buộc đến tận cửa hàng để được tư vấn và mua. Ngoài mỹ phẩm và nước hoa, các nhãn hiệu cao cấp như Chanel, Céline, Hermes và Dior đều chỉ bán quần áo, giày dép, túi xách tại các cửa hàng của mình, 30 năm trước như vậy và bây giờ cũng không thay đổi. Vậy tại sao, trong một kỷ nguyên của thương mại điện tử, khi cuộc sống trở nên ngày càng bận rộn, và các lợi ích của mua sắm online được ca tụng trên báo chí, các “ông lớn” trong ngành thời trang vẫn khăng khăng muốn khách hàng của mình đến tận nơi để mua sắm?
Đại diện của Chanel đã từng đề cập đến vấn đề này. “Thời trang, tức là quần áo chúng ta mặc lên người. Và bạn biết đấy, với quần áo, chúng ta cần nhìn tận mắt, sờ tận tay và cảm nhận khi mặc vào để hiểu về bộ trang phục chúng ta định mua”, ông Bruno Pavlovsky, chủ tịch thời trang toàn cầu của Chanel, nói với tờ Bloomberg hồi tháng Giêng năm nay. Ông cũng cho biết, “tất cả các chiến dịch quảng cáo trực tuyến của Chanel, đều nhằm một mục đích duy nhất, đó là lôi kéo khách hàng đến trực tiếp cửa hàng, chứ không bao giờ Chanel bán hàng qua mạng.”
Katalina Sharkey de Solis, giám đốc quản lý truyền thông của Chanel cho biết: “Các hãng thời trang lớn, ví dụ như Dior, là một mô hình kinh doanh theo kiểu quảng bá thương hiệu. Điều đó có nghĩa là doah thu thực sự của hãng không nằm tại số tiền bán sản phẩm, chúng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Doanh thu chủ yếu nằm ở những hoạt động khác. Về cơ bản, những mặt hàng thời trang như túi xách, kính mát, sản phẩm trang điểm, chăm sóc da, nước hoa chỉ là công cụ để quảng bá danh tiếng cho hãng”.
“Tất nhiên, việc không bán hàng online cũng là một chiến lược giúp cho hàng hóa của những hãng thời trang xa xỉ trở nên “độc quyền” hơn, không bị lẫn tạp với vô số thương hiệu bình dân bùng nổ trên thị trường trực tuyến. Thứ hai là việc phát triển bán hàng online có thể sẽ làm giảm số lượng khách hàng ghé thăm các cửa hàng vì họ chỉ cần ngồi tại nhà và xem mẫu mã trên máy tính, điện thoại. Đối với nhãn hiệu thời trang xa xỉ, việc một khách hàng đến cửa hàng, xem tận mắt, sờ tận tay, cảm nhận trực tiếp và lắng nghe sự tư vấn từ các nhân viên mới giúp họ có được cái nhìn tốt nhất về món hàng đắt tiền muốn mua. Và từ đó, khách hàng sẽ dễ dàng quyết định mua hơn”, Sharkey de Solis nói.
Sucharita Mulpuru-Kodali, phó chủ tịch của Forrester cho biết, “Đúng là trong thời đại ngày nay, các nhãn hiệu có thể tăng doanh số bằng cách đẩy mạnh thương mại điện tử. Tuy nhiên với những thương hiệu thời trang xa xỉ, việc tăng doanh thu không phải là mục tiêu lớn nhất của họ. Cái mà họ muốn đó là giữ vững, bảo vệ danh tiếng, chất lượng và chỗ đứng của thương hiệu mình trên thị trường trong thậm chí là 100 năm sau”.
Có một câu hỏi được đặt ra, đó là vì sao một số nhãn hàng cao cấp như Louis Vuitton, Givenchy, Burberry và Saint Laurent, vẫn bán một số mặt hàng trực tuyến? Câu trả lời là bởi vì nó có ý nghĩa đối với mô hình kinh doanh của hãng, và hầu hết, việc bán hàng online chỉ áp dụng với một số mặt hàng lẻ tẻ. Ví dụ như Givenchy không bán quần áo thời trang cao cấp trên mạng, mà bán áo thun và áo nỉ giá trung bình. Saint Laurent thì bắt tay với nhà thiết kế Hedi Slimane để quảng bá cho các sản phẩm của mình trên mạng. Những trang web bán lẻ như Barneys và Net-a-Porter cũng là đối tác hỗ trợ việc bán hàng của nhiều thương hiệu nổi tiếng, nhưng đa phần chỉ là những sản phẩm tầm trung của họ.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng quan tâm đó là cửa hàng sẽ là nơi khách hàng tiếp xúc trực tiếp với nhân viên. Từ đó, giữa họ sẽ xây dựng nên những mối quan hệ thân thiết và tin cậy. Khách hàng tiềm năng của các mặt hàng thời trang xa xỉ thường thích mua hàng dựa vào mối quan hệ quen biết, tức là qua giới thiệu của bạn bè hoặc một nhân viên mà họ tin tưởng. Nhiều nhân viên vận dụng điều này bằng cách nhắn tin, gọi điện cho những khách hàng thân thiết mỗi khi có đợt hàng mới. Và nhờ đó, doanh số bán hàng phát triển rất tốt trên những mối quan hệ như vậy.
Việc nói “không” với bán hàng trực tuyến vẫn là một chiến lược kinh doanh đúng đắn của các “ông lớn” trong ngành thời trang như Chanel, Hermes và Celine cho đến bây giờ. Doanh thu vẫn rất tốt cho dù khủng hoảng kinh tế diễn ra, uy tín thương hiệu vững mạnh và người ta vẫn sẵn sàng móc hầu bao nhiều ngàn đô để đem về một chiếc túi xách, đôi giày nhỏ. Vì vậy, nếu muốn mua được chiếc túi Céline tinh tế hay chiếc áo lông Chanel sang trọng, bạn sẽ phải đi đến mua trực tiếp tại cửa hàng của họ.
Nguồn: Theo Fashionista
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.