Phải chăng chúng ta là những sinh vật duy nhất trong vũ trụ bao la này?
Lý do chúng ta mãi chưa thể gặp được người ngoài hành tinh
Dải Ngân hà nơi Trái đất của chúng ta cư ngụ có chứa khoảng 100 tỉ hành tinh, và là một trong hàng trăm tỉ Thiên hà trong vũ trụ. Chính vì thế, logic mà nói, phải có ít nhất hàng triệu hành tinh giống Trái đất – tức là có tồn tại sự sống.
Tuy nhiên, trong một cuộc tranh luận vào năm 1950, nhà vật lý Enrico Fermi đặt câu hỏi rằng: Nếu nhiều nền văn minh tiên tiến ngoài Trái đất tồn tại trong Thiên hà thì sao tàu vũ trụ hay các máy thăm dò lại không tìm thấy?
Và nếu như có đến hàng triệu hành tinh như Trái đất, thì tại sao chúng ta chưa biết đến sinh vật nào khác ngoài con người? Câu hỏi này về sau đã trở thành kinh điển và được đặt tên là “Nghịch lý Fermi”.
Để giải đáp cho “Nghịch lý Fermi”, nhiều nhà khoa học đã đặt ra một số giả thuyết về nguyên nhân chúng ta chưa gặp người ngoài hành tinh và bạn sẽ được biết sau khi đọc bài viết dưới đây.
1. Vì không gian quá rộng lớn
Giả thuyết đầu tiên và cũng là giả thuyết được biết đến rộng rãi nhất – nhấn mạnh vào không gian rộng lớn trong vũ trụ.
Nếu như hành tinh tồn tại sự sống trong dải Ngân hà, nó có thể cách Trái đất hàng ngàn năm ánh sáng. Điều này khiến cho việc liên lạc trong vũ trụ trở nên bất khả thi.
Ngoài ra, đối với các Thiên hà khác cách chúng ta hàng triệu năm ánh sáng, khả năng liên lạc lại càng khó khăn hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính khoảng cách khổng lồ là yếu tố ngăn cản việc liên lạc giữa chúng ta với những người “bạn” đến từ bên ngoài Trái đất.
2. Do chúng ta tìm chưa đủ kĩ?
Cho tới nay, việc tìm kiếm các nền văn minh ngoài Trái đất đều rất hạn chế, do chỉ có một số ít kính thiên văn đặt tại nhiều nơi trên thế giới. Cục Nghiên tìm kiếm các nền văn minh ngoài Trái đất cũng đã thực hiện nhiều cuộc dò tìm nhưng cũng chưa tìm thấy gì.
Chính vì thế, vào đầu năm 2015, một dự án trị giá 100 triệu đô la đã được khởi động, mang tên Breakthrough Listen. Dự án được được đầu tư bởi tỉ phí người Nga, Yuri Milner.
Các chuyên gia đánh giá rằng đây sẽ là cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất có qui mô lớn nhất từ trước đến giờ. Dự án sẽ sử dụng 2 trong số những kính thiên văn vô tuyến hiện đại nhất thế giới (thiết bị có khả năng khuyếch đại, ghi lại và xác định hướng của các sóng vô tuyến).
Hai thiết bị này có thể quét hàng triệu ngôi sao và 100 thiên hà gần nhất để tìm kiếm các tín hiệu được gửi đến hành tinh của chúng ta. Các chuyên gia hi vọng có thể sớm tìm thấy sự sống ngoài Trái đất trong một tương lai không xa.
3. Quá trình chọn lọc vĩ đại – the Great Filter
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là nếu 10 năm sau khi khởi động dự án Breakthrough Listen, chúng ta vẫn không thu được gì thì sao?
Điều này dẫn đến giả thuyết tiếp theo về Nghịch lý Fermi – về quá trình chọn lọc vĩ đại của vũ trụ. Giả thuyết nói rằng vũ trụ đã có một cuộc chọn lọc tự nhiên vĩ đại, khiến những nền văn minh bị diệt vong.
Những người ủng hộ giả thuyết này cho rằng, nếu thực sự tồn tại quá trình chọn lọc này, loài người có thể là giống loài đầu tiên vượt qua. Hoặc cũng có thể chúng ta chưa chạm tới mốc đó, trong khi những nền văn minh khác trước chúng ta đều đã bị diệt vong.
4. Chúng ta đơn độc trong vũ trụ
Giả thuyết cuối cùng chúng ta bàn đến ở đây cũng là kịch bản đáng sợ nhất: Con người hoàn toàn đơn độc trong vũ trụ bao la.
Trên thực tế, Trái đất có một quĩ đạo và khoảng cách hoàn hảo với Mặt trời. Điều này đã đem lại nhiệt độ thích hợp cho sự sống. Nhưng không chỉ vậy, chúng ta cũng phải đợi tới khi loài khủng long tuyệt chủng để xuất hiện trên hành tinh này. Và thậm chí bây giờ, nền văn minh nhân loại mới chỉ tồn tại được vài nghìn năm; một phần vô cùng nhỏ bé của vũ trụ 13,8 tỉ năm tuổi.
Điều này cho thấy rằng để loài người có thể xuất hiện trên Trái đất, khả năng duy trì sự sống của hành tinh là chưa đủ. Vậy phải chăng, đây là nơi duy nhất nền văn minh có thể tồn tại?
Nhiều chuyên gia không tin vào giả thiết trên. Họ tin rằng chúng ta sẽ sớm tìm thấy dấu hiệu của các vi sinh vật ngay tại Hệ Mặt trời trong vài thập kỉ tới, và tương lai không xa sẽ tìm thấy các tín hiệu ở xa hơn.
Thế nhưng, cho tới khi chúng ta tìm được bằng chứng thì chúng ta vẫn là minh chứng duy nhất về sinh vật có nhận thức trong vũ trụ. Điều đó khiến nhân loại và Trái đất trở nên vô cùng đặc biệt, nhưng cũng khiến cho nỗ lực của các khoa học gia trở nên… vô vọng.
Theo Kenh14/Trí Thức Trẻ